Nghệ thuật

Loa tranh nghệ thuật

Loa tranh là loại loa đặc biệt không giống với các dòng loa truyền thống bởi chúng được thiết kế mỏng nhưng lại phải đáp ứng công suất cực mạnh cho việc hát karaoke và nghe nhạc. Hơn nữa, khách hàng còn được tích hợp mục đích sử dụng cùng lúc vừa thưởng thức âm nhạc vừa chiêm ngưỡng những bức tranh đẹp mắt…
Nhắc đến loa tranh phải kể đến nghệ nhân Nguyễn Hùng Sơn, biệt danh "Sơn loa", người đầu tiên chế tạo ra loại loa tranh ở Việt Nam. Anh hiện là Giám đốc Công ty Loa tranh AA. Trụ sở công ty đóng tại phường 12, quận 10, Tp. Hồ Chí Minh. Sản phẩm loa tranh nghệ thuật của anh được nhiều người biết đến bởi sự khác biệt kỳ lạ về hình dáng cũng như giá trị nghệ thuật mà chúng mang lại.

Sinh ra ở thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, từ nhỏ "Sơn loa" đã rất thích nghe nhạc và ước mơ sau này sẽ làm ra những chiếc loa có âm thanh chất lượng cao. Mười lăm tuổi, Nguyễn Hùng Sơn đã rời quê lên Tp. Hồ Chí Minh để theo học nghề làm loa với quyết tâm thực hiện bằng được mơ ước của mình.

Sau nhiều năm học hỏi thành nghề, anh mở cửa hàng làm loa. Trong một lần tình cờ vừa nghe nhạc vừa ngắm những bức tranh treo trên tường, anh đã nảy ra một ý tưởng lạ, đó là biến những bức tranh treo tường thành loa nghe nhạc. Nghĩ là làm, Nguyễn Hùng Sơn bỏ công nghiên cứu và phát hiện ra rằng, chỉ có sợi tổng hợp mới có thể vừa vẽ tranh vừa làm màng loa mà âm thanh không bị thay đổi. Sau nhiều lần nghiên cứu và thử nghiệm, đến năm 2007, những bức tranh loa đầu tiên của anh đã ra đời.



Nghệ nhân Nguyễn Hùng Sơn, biệt danh "Sơn loa", là người đầu tiên chế tạo ra loại loa tranh ở Việt Nam.


Loa tranh là sản phẩm đòi hỏi có sự kết hợp đầy tinh tế giữa công nghệ và mỹ thuật.


Nghệ nhân "Sơn loa" thực hiện công đoạn vào khung cho một chiếc loa tranh.


Nghệ nhân "Sơn loa" bên một tác phẩm loa tranh khổ lớn của mình.


Showroom mới khai trương của nghệ nhân "Sơn loa".


Dàn karaoke gia đình được thiết kế với hai chiếc loa tranh treo tường.


Phòng karaoke được thiết kế với các mảng loa tranh ốp tường vừa kín đáo vừa có tính mỹ thuật cao.


Phòng karaoke với các mảng loa tranh ốp tường mang phong cách nghệ thuật Ai Cập cổ đại.

Thoạt nhìn sản phẩm của anh ai cũng nghĩ đó là một bức tranh chứ không phải là chiếc loa, bởi chúng có thiết kế mỏng (10-12cm), gọn, nhẹ... và được treo trên tường giống như một bức tranh nghệ thuật dùng để trang trí trong nhà.

Tuy nhiên, bức tranh loa ấy lại có sức mạnh vượt trội và chất âm cực chuẩn, bởi bên trong nó là sự tích hợp nhiều loại loa bass, mid, treble chạy dọc quanh viền tranh, giúp tạo nên âm thanh với độ phủ rộng và tinh tế. Mặt sau của loa tranh được trang bị loa subwoofer cho tiếng bass mạnh, chắc, đầy uy lực. Đây là ưu điểm vượt trội đáng kể của loa tranh so với thiết kế của loa thùng thông thường.

Theo anh Sơn, xu hướng dùng loa tranh là xu hướng mới của tương lai, bởi nhu cầu nghe nhìn của người tiêu dùng ngày càng cao. Ngoài thưởng thức âm thanh, họ còn muốn có một dàn loa đẹp, mang tính nghệ thuật để có thể trang trí, chiêm ngưỡng.

Loa tranh không chỉ được sử dụng tại gia đình mà gần đây, nhiều nhà hàng, khách sạn và các điểm karaoke cũng bắt đầu sử dụng loại loa tranh đẹp mắt để thu hút khách. Hiện các đơn vị kinh doanh trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh cùng một số tỉnh ở miền Tây đang có phong trào chuyển sang dùng loa tranh.

Sau những thành công ban đầu, nghệ nhân Nguyễn Hùng Sơn tiếp tục đầu tư nghiên cứu nhằm tạo nên những chiếc loa tranh không chỉ có giá trị về mặt công nghệ, kỹ thuật mà còn có giá trị cao về mặt nghệ thuật, mang đậm dấu ấn văn hóa Việt. Hiện sản phẩm loa tranh của anh Sơn đã trở nên nổi tiếng trong và ngoài nước. Nhiều sản phẩm trông như những bức tranh phong cảnh làng quê hay danh thắng Việt Nam tuyệt đẹp.

Nguyễn Hùng Sơn từng nhiều lần đem sản phẩm loa tranh của mình đi tham dự các buổi triển lãm Hi-end Show; hay những cuộc thử nghiệm âm thanh của các thương hiệu nổi tiếng trong làng Audiophile để so sánh và cảm nhận trực diện với các hãng chuyên về audio danh tiếng trên thế giới như Denon, Wilson Audio, Jamo Tannoy...

Theo chuyên gia thẩm âm quốc tế Robin Marvinson, loa tranh tuy mỏng nhưng có sức mạnh đáng kinh ngạc khi tái hiện trung thực và hoàn hảo các dải tần. Bản thân ông cũng tỏ ra thán phục trước sự tìm tòi, sáng tạo của người Việt khi kết hợp tranh và âm thanh để tạo thành một sản phẩm độc đáo như loa tranh./.


Một số sản phẩm loa tranh nghệ thuật:












Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Nguyễn Luân

Điện Biên vẫy gọi – tôn vinh chủ nghĩa anh hùng cách mạng

“Điện Biên vẫy gọi” – tôn vinh chủ nghĩa anh hùng cách mạng

Chiều 27-3, tại Nhà hát Quân đội (Mai Dịch, Hà Nội), Nhà hát Kịch nói Quân đội đã biểu diễn báo cáo công trình nghệ thuật kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - vở diễn “Điện Biên vẫy gọi”.

Top