Nghệ thuật

Lê Lam với một tấm lòng vì miền Nam

Ngày 24/4/2015, triển lãm tranh và ký họa chiến trường “Họa sĩ Lê Lam – Một tấm lòng vì miền Nam” đã được khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh ở số 97 Phó Đức Chính, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh, nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Lê Lam tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội năm 1953 và Đại học Mỹ thuật Kiev (thuộc Liên Xô cũ) năm 1964. Sau khi về nước, ông tình nguyện vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Ông và các họa sĩ Thái Hà, Cổ Tấn Long Châu, Huỳnh Phương Đông, Trang Phượng, Lê Tâm… là lớp họa sĩ có nhiều cống hiến cho nền hội họa nước nhà cả trong chiến tranh và sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất.

Các tác phẩm của họa sĩ Lê Lam được giới thiệu tại triển lãm lần này gồm 94 bức ký họa mà ông đã vẽ tại miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ từ năm 1966 đến 1974, và 35 tác phẩm gồm các thể loại sơn dầu, lụa, màu nước. Đặc biệt, những tác phẩm nổi tiếng của ông ở Bảo tàng Bến Tre và Long An cũng được trưng bày tại triển lãm lần này.
 

Triển lãm “Họa sĩ Lê Lam - Một tấm lòng vì miền Nam” tại Bảo tàng Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh.
 

Họa sĩ Lê Lam xúc động khi kể lại những kỉ niệm trong thời kì hoạt động trên chiến trường miền Nam.

 

Họa sĩ Lê Lam và họa sĩ Huỳnh Phương Đông, những người
có nhiều đóng góp lớn trong mảng đề tài chiến tranh chống Mỹ cứu nước.

 

Họa sĩ Lê Lam vẽ chân dung Chủ tịch Cuba Fidel Castro năm 2001. (Ảnh: Tư liệu)

 

Công chúng tham quan triển lãm "Một tấm lòng vì miền Nam" của họa sĩ Lê Lam.

Lê Lam coi miền Nam là quê hương thứ hai của mình. Sự gắn bó, yêu thương sâu sắc của ông với mảnh đất và con người phương Nam cùng niềm say mê sáng tạo đã khiến hơi thở cuộc sống và chất Nam bộ thẫm đẫm vào tâm hồn, tác phẩm của ông một cách tự nhiên. Xem tranh hay ký họa của ông ta thấy được sự chân chất, sự hồn hậu, dung dị và phóng khoáng như tính cách của con người nơi vùng đất này. Mỗi bức tranh của họa sĩ Lê Lam là một câu chuyện, một nhân vật có thật trong kháng chiến. Đó là xã đội trưởng Tám Ngọt, em Đèo giao liên, ông Hai Điểm, đồng chí Đường, má Bảy, má Ba… Mỗi một chiến tích, một hành động dũng cảm nào của quân dân miền Nam cũng được ông tìm tòi, thể hiện trong tác phẩm. Ví dụ như bức tranh “Dừng lại” ấn tượng mạnh với người xem khi một phụ nữ Long An dũng cảm chặn xe tăng địch. Để phác họa ra bức tranh đó, ông đã về nhà bà Tư Cào nghe bà kể lại trận càng quét vào ấp.

Từng là học trò của họa sĩ nổi tiếng Tô Ngọc Vân, nên Lê Lam học được ở thầy những kỹ thuật đặc biệt. Chỉ cần vài nét vẽ đơn sơ, ông đã khắc hoạ được những nét đặc sắc, đậm chất Nam Bộ của các nhân vật. Tác phẩm của ông có giá trị lịch sử, nghệ thuật cao. Vì thế, vẽ chân dung được coi là một thế mạnh của Lê Lam và cũng là cái tài của ông.
 
Một số tác phẩm của họa sĩ Lê Lam
 

Tác phẩm “Cô nông dân Kiến Phong”.
 

Tác phẩm “Người du kích Long An”.

 

Tác phẩm “Dừng lại”.

 

Tác phẩm tranh cổ động “Hòa hợp dân tộc xóm làng yên vui”.

 

Tác phẩm “Bám đất”.

 

Tác phẩm “Con đẹp”.

 

Tác phẩm “Má ơi về ăn cơm”.

 

Tác phẩm “Tập viết”.

 

Tác phẩm “Em Đấu giao liên”.

 

Tác phẩm “X5 ăn Tết”.

 

Tác phẩm “Nhìn con”.

Những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước, ông đi khắp các tỉnh thành như Long An, Mỹ Tho, Bến Tre… Đi đến đâu ông cũng vẽ và triển lãm cho đồng bào, chiến sĩ cùng xem để động viên tinh thần chiến đấu của họ. Gần 10 năm vẽ ở chiến trường miền Nam ác liệt, bộ sưu tập tranh đồ sộ của ông lên tới gần 3000 bức ký họa, cùng hàng chục bức tranh khổ lớn có giá trị như: “Đồng Khởi Bến Tre”, “Đội quân tóc dài”, “Má Bến Tre”, “Em bé Linh Phụng”, “Chân dung anh hùng đặc công thủy Hoàng Lam”,…

Mảng ký họa chân dung của Lê Lam chiếm số lượng nhiều và đẹp. Hai đề tài mà ông vẽ rất nhiều là người lính và phụ nữ Nam bộ. Ông rất nhạy cảm và tinh tế nên vẽ nổi bật được cái thần thái của nhân vật. Một số tác phẩm vẽ ký họa về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Fidel Castro, Hồ Xuân Hương, Thúy Kiều…thể hiện rất rõ điều đó.

Chiến tranh đã lùi xa 40 năm, nhưng khi xem lại những sáng tác của họa sĩ Lê Lam người ta vẫn như cảm nhận được sức nóng của chiến tranh, cũng như hiện thực đầy sinh động về một thời kỳ kháng chiến hào hùng và oanh liệt của dân tộc./.

 
Bài: Nguyễn Oanh - Ảnh: Thông Hải


Top