Khám phá

Lễ cầu an của đồng bào Ba Na

Vào trung tuần tháng 11 âm lịch hàng năm, sau khi thu hoạch xong lúa ở nương rẫy, người Ba Na ở tỉnh Kon Tum lại bắt đầu tổ chức lễ hội cầu an. Theo quan niệm của người Ba Na, lễ hội được tổ chức để cầu cho dân làng ấm no, khỏe mạnh, tránh khỏi chiến tranh, dịch bệnh, xua đuổi những xui xẻo, tai họa.
Năm nay, lễ hội độc đáo này đã được tái hiện một cách chân thực và sinh động tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.

Già làng A Thút ở xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum cho biết, lễ cầu an theo tiếng Ba Na được gọi là Puh hơ drih. Trước khi tổ chức lễ hội, dân làng phải đi phát dọn đường sạch sẽ, sửa sang lại nhà rông và bến nước. Lễ cầu an sẽ do hội đồng già làng chủ trì. Trước ngày diễn ra lễ, dân làng chuẩn bị 4 hình nộm người làm bằng các vật liệu sẵn có trong tự nhiên.

Đến ngày diễn ra lễ cầu an, tất cả dân làng cùng với các vật dụng, đạo cụ, vật hiến sinh... được tập trung tại nhà rông để làm lễ cúng. Già làng sẽ chọn những người ưu tú nhất làng để đứng trong đoàn lễ. Già làng cầm khiên và kiếm đi đầu. Tiếp sau là 4 thanh niên mang theo hình nộm. Cuối cùng là hai thiếu nữ mỗi người cầm cây lá đót và đội cồng chiêng cùng với dân làng đi theo.
 

Lễ hội cầu an của đồng bào Ba Na ở Kon Tum được tái hiện một cách chân thực và sinh động
tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.



Cây nêu được dựng ngay trước sân nhà rông.


Một con dê đực to khỏe dùng làm vật hiến sinh được buộc dưới chân cây nêu.


Già làng A Thút cùng dân làng làm lễ bên trong nhà rông trước khi tiến hành lễ cúng tế ở ngoài trời.


Già làng A Thút làm lễ cúng ngoài trời trước sự chứng kiến của đông đảo dân làng.


Đi đầu đoàn tế là hai con quỷ do hai thanh niên người Ba Na đóng giả.


Những chàng trai, cô gái người Ba Na vui tươi trong lễ hội cầu an.


Sau khi làm lễ cúng xong, già làng sẽ dẫn đầu đoàn cúng đi đuổi con ma xấu, vừa đi già làng vừa cất tiếng hú để xua đuổi tà ma.


Già làng A Thút cầm khiên và kiếm làm phép đuổi tà ma.


Đoàn rước cứ thế đi khắp các ngõ xóm trong buôn làng tìm đuổi các con ma xấu để mang bình yên đến cho dân làng.

Trong buổi làm lễ cầu an năm nay được phục dựng, già làng A Thút cùng các thanh niên cắt tiết dê để làm lễ tế thần linh cầu mong phù hộ cùng dân làng đuổi các tà ma, bệnh dịch. Sau khi làm lễ xong, già làng dẫn đầu đoàn người đi khắp làng để đuổi tà ma… Già làng vừa đi vừa hú và chỉ chỗ và thúc giục dân làng biết vị trí của những con ma đang cư ngụ để đuổi đi. Việc xua đuổi những con ma xấu cứ tiếp tục diễn ra cho đến khi đuổi hết khắp thôn làng, rồi đuổi dồn về cuối làng theo con đường chính ở đầu làng.

Sau đó, già làng tiếp tục làm lễ cầu khấn mời các thần linh cùng ăn uống, chung vui và xin phù hộ bảo vệ dân làng không bị các bệnh dịch, những xui xẻo, tai họa./.

Bài: Lê Thị Thùy Linh - Ảnh: Trịnh Văn Bộ

Tháp Đôi - dấu ấn văn hóa Chăm Pa ở Quy Nhơn

Tháp Đôi - dấu ấn văn hóa Chăm Pa ở Quy Nhơn

Đến với Quy Nhơn (Bình Định), du khách không chỉ được khám phá những bãi biển đẹp, các danh lam thắng cảnh hùng vĩ mà còn được chiêm ngưỡng những tòa tháp Chăm cổ kính có niên đại trên dưới ngàn năm tuổi. Trong số đó, Tháp Đôi là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu luôn thu hút đông đảo du khách tới tham quan và khám phá.

Top