Tin tức

Lãnh đạo Myanmar kêu gọi các nhóm sắc tộc ký thỏa thuận ngừng bắn


Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi. (Nguồn: ANSA)
Phát biểu nhân Ngày Đoàn kết 12/2, Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi đã kêu gọi tất cả các nhóm sắc tộc có vũ trang ký thỏa thuận ngừng bắn trên cả nước, thúc đẩy tiến trình hòa giải dân tộc và xây dựng đất nước phồn vinh.

Bà Suu Kyi và đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) cầm quyền đã cam kết rằng hòa bình sẽ là ưu tiên hàng đầu của họ bất chấp xảy ra xung đột giữa các nhóm sắc tộc và quân đội.

Bà nêu rõ: "Tôi mong muốn tất cả các nhóm sắc tộc chưa ký thỏa thuận ngừng bắn trên toàn quốc tin tưởng vào chính mình và ký văn kiện này cũng như tham gia vào Hội nghị Hòa bình Panglong thế kỷ 21."

Trước đó ít ngày, Tổng thống Myanmar U Htin Kyaw cũng đã kêu gọi tất cả các nhóm sắc tộc hợp tác với chính phủ và hành động vì hòa bình mà không có sự kỳ thị nào.

Ông cho biết tất cả các nhóm sắc tộc đang tích cực hành động nhằm chấm dứt sự hiểu lầm và mất lòng tin, đồng thời áp dụng mọi biện pháp để xây dựng nền cộng hòa liên bang dân chủ đích thực, tiến tới tìm kiếm nền hòa bình thực sự và bền vững.

Cho rằng sự phát triển của Myanmar đã bị tụt hậu vài thập kỷ do các cuộc xung đột vũ trang, Tổng thống Myanmar kêu gọi các nhóm sắc tộc tham gia vào Hội nghị Hòa bình Panglong thế kỷ 21 để bàn bạc và tìm kiếm giải pháp cho hòa bình và hòa giải dân tộc.

Ngày Đoàn kết đánh dấu sự ra đời của thỏa thuận Panglong, được nhà lãnh đạo dân tộc, Tướng Aung San (Oong Xan), cha của bà Aung San Suu Kyi, và các nhà lãnh đạo các sắc tộc thiểu số, ký kết ngày 12/2/1947 tại Panglong.

Một trong những nội dung quan trọng của văn kiện này là đảm bảo quyền tự trị cho các cộng đồng sắc tộc tại Myanmar. Tuy nhiên, tướng Aung San bị ám sát 5 tháng sau đó và thỏa thuận này đã đổ vỡ.

Cuối tháng 8 năm ngoái, Hội nghị Hòa bình liên bang của Myanmar, còn gọi là Hội nghị Hòa bình Panglong thế kỉ 21, đã chính thức khai mạc thủ đô Nay Pyi Taw với mục tiêu đoàn kết tất cả các nhóm sắc tộc ở Myanmar và xây dựng một liên bang dân chủ thông qua đối thoại.

Nội dung hội nghị tập trung vào khuôn khổ đối thoại chính trị quốc gia nhằm chấm dứt các cuộc xung đột giữa quân đội quốc gia và các nhóm vũ trang sắc tộc suốt gần 7 thập kỷ qua.

Hội nghị có sự tham gia của 1.800 đại biểu đại diện cho chính phủ, quốc hội, quân đội, các đảng phái chính trị, các tổ chức sắc tộc vũ trang và không vũ trang, và các tổ chức xã hội dân sự./.
 
TTXVN/VNP


Top