Tiềm năng địa phương

Làng phật thủ đón Tết sớm

Vốn là vùng đất truyền thống trồng cây cam đường nhưng trong vài năm trở lại đây người dân xã Đắc Sở (Hoài Đức, Hà Nội) đã chuyển sang trồng cây phật thủ, loại cây mang lại cho người dân ở đây thu nhập hàng tỷ đồng, nhất là dịp Tết Nguyên đán.
Làm giầu từ giống cây hình tay phật
Cận Tết Nguyên Đán Ất Mùi 2015, chúng tôi có dịp về thăm xã Đắc Sở, nơi nổi tiếng khắp cả nước với việc đang phát triển và nhân giống cây phật thủ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Dẫn chúng tôi đi tham quan những vườn cây phật thủ trái trĩu cành đang trong thời kỳ thu hoạch, anh Tạ Văn Phúc, Chủ tịch Hội sản xuất Kinh doanh phật thủ xã Đắc Sở hồ hởi chia sẻ: “Toàn xã Đắc Sở có khoảng 220 ha trồng cây phật thủ, trong đó có 150 ha đang cho thu hoạch. Xã có gần 500 hộ trồng cây phật thủ, hộ trồng ít nhất cũng 1 sào, hộ nhiều nhất tới 50 sào. Người trồng phật thủ tại xã chúng tôi có thu nhập từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ vào vụ Tết”.
 

Anh Nguyễn Văn Thành trồng cây phật thủ con tại vườn phật thủ của gia đình ở Đắc Sở.


Những cây phật thủ giống được người dân Đắc Sở vận chuyển tới những hộ dân có nhu cầu cây giống.


Anh Nguyễn Văn Hùng trong vườn cây phật thủ giống của gia đình.


Hiện phật thủ đang là giống cây được người dân Đắc Sở trồng với quy mô lớn trên những cánh đồng ở đây.


Anh Tạ Văn Thịnh chăm sóc vườn phật thủ đang mùa trĩu quả cung cấp ra thị trường dịp Tết 2015.


Những vườn phật thủ được người dân Đắc Sở chăm sóc kĩ lưỡng cho ra nhiều quả có hình dáng đẹp.
 
«
          Với quan niệm là quả của Phật bởi quả phật thủ có hình dáng giống như bàn tay của Đức Phật đang chắp ngón cầu nguyện, nên loại quả này được người dân chọn là một trong 5 loại quả bày trí mâm ngũ quả trên bàn thờ tổ tiên trong những ngày Tết.
»
Thăm quan mô hình trồng phật thủ của gia đình anh Tạ Văn Thịnh ở thôn Trung Kỳ mới thấy sự quy mô của một nông trang lớn. Gia đình anh Thịnh bắt đầu trồng 2 sào cây phật thủ từ năm 2010 nhưng thấy lợi nhuận cao nên gia đình đã mạnh dạn thuê thêm đất tại xã Yên Sở (Quốc Oai – Hà Nội) để tăng sản lượng. Cho đến nay gia đình anh Thịnh đã có hơn 25 sào cây phật thủ bán quả cho thương lái cách đây nửa tháng với giá 900 triệu đồng. Trừ tất cả các chi phí, gia đình lãi khoảng hơn 500 triệu. Chị Nguyễn Thị Thúy vợ anh Thịnh phấn khởi chia sẻ: “Gia đình tôi có được cơ ngơi khang trang, nuôi đủ các con ăn học được như thế này là nhờ cây phật thủ hết đấy”.

Cùng chung niềm vui được mùa, hơn 30 sào phật thủ của gia đình nhà chị Dung ở thôn Sơn Hà cũng nặng trĩu quả, trung bình mỗi cây phật thủ trong vườn đạt từ 70 – 90 trái. Tính bình quân theo giá thị trường bán buôn năm nay là 100 nghìn/ quả thì gia đình chị Dung đã thu lợi hàng tỷ đồng.

Chị Dung cho biết, cây phật thủ là loài cây dễ trồng, mỗi năm cây ra hoa từ 2 đến 3 lần và cho thu hoạch quả quanh năm. Ngoài việc bán cho người dân làm đồ lễ thì quả phật thủ còn được dùng làm thuốc. Cây phật thủ ở Đắc Sở cho quả đến đâu là có khách hàng đặt mua hết đến đó.

Xây dựng thương hiệu phật thủ Đắc Sở
Vào ngày 3/10/2014, UBND xã Đắc Sở đã thành lập Hội sản xuất và Kinh doanh phật thủ xã Đắc Sở nhằm giúp đỡ người dân về khoa học kỹ thuật, cung cấp cây giống và phát triển nâng cao thương hiệu của sản phẩm.

Tuy nhiên, chính vì nổi tiếng nên nhiều nơi đã giả danh Phật thủ Đắc Sở, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và người nông dân ở Đắc Sở. Để bảo hộ sản phẩm, UBND Tp. Hà Nội đã ban hành Quyết định cho phép sử dụng tên địa danh “Đắc Sở” để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm phật thủ. Theo đó, Hội Sản xuất và Kinh doanh Phật thủ xã Đắc Sở sẽ được sử dụng tên địa danh “Đắc Sở” kèm theo bản đồ khu vực địa lý để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “phật thủ Đắc Sở”.
 

Cây phật thủ đơm nụ hoa màu tím.


Nụ cười tươi rói của người nông dân Đắc Sở khi vụ phật thủ Tết 2015 được mùa.


Nguời dân Đắc Sở thu hoạch phật thủ thành phẩm tại vườn.


Thu gom phật thủ cung cấp ra thị trường.


Những quả phật thủ có dáng đẹp được người dân làng Đắc Sở đem bán cho các thương lái thu gom, xuất khẩu.


Một người dân ở huyện Hoài Đức (Hà Nội) tìm chọn mua phật thủ dịp áp Tết 2015 ở Đắc Sở.

Chị Nguyễn Thị Thúy vui mừng cho biết: “Buôn có bạn bán có phường, sự ra đời của Hội Sản xuất và Kinh doanh phật thủ xã Đắc Sở đã trở thành nơi giao lưu cho những hộ gia đình trồng phật thủ chúng tôi trao đổi kinh nghiệm trồng trọt sản xuất cũng như tiêu thụ”. Được biết Ban quản trị Hội Sản xuất và Kinh doanh phật thủ xã Đắc Sở thường xuyên đến các hộ gia đình hướng dẫn về cách chăm sóc, bảo quản quả sau khi thu hoạch.

Sự ra đời của Hội sản xuất và kinh doanh phật thủ xã Đắc Sở là một dấu ấn quan trọng trong việc đưa thương hiệu loại quả này đến với thị trường. Tại Hội chợ sản phẩm Nông nghiệp và Làng nghề Hà Nội vừa được tổ chức, gian hàng phật thủ Đắc Sở đã gây ấn tượng với khách hàng. Anh Tạ Văn Phúc cho biết, nhiều công ty bán lẻ, các siêu thị đã tìm đến chúng tôi để đặt cung ứng mặt hàng này. Tại đây chúng tôi đã ký được nhiều hợp đồng cung cấp trái phật thủ ổn định cho các siêu thị và các cơ sở chế biến thuốc bắc.

Người dân xã Đắc Sở vẫn đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây phật thủ. Ngoài diện tích đồng bãi vốn có tại địa phương, người dân Đắc Sở còn thuê thêm đất tại các xã bên cạnh như Phượng Cách, Sài Sơn (huyện Quốc Oai) để nâng cao sản lượng đủ cung ứng cho thị trường./.
 
Bài: Lê Thùy Linh - Ảnh: Quỳnh Anh


Top