Tiềm năng địa phương

Làm giàu từ cá dĩa

Mô hình nuôi cá dĩa thương phẩm đang nở rộ ở Tp. Thủ Dầu Một (Bình Dương) từ nhiều năm nay, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi. 
Tp. Thủ Dầu Một hiện có khoảng 30 hộ nuôi cá dĩa thương phẩm thì riêng phường Chánh Nghĩa đã có gần 20 hộ nuôi. Người tiên phong trong mô hình nuôi cá dĩa là ông Võ Tuấn Kiệt, chủ cơ sở nuôi cá dĩa Tuấn Tú.

Cách đây 14 năm, ông Võ Tuấn Kiệt lúc này còn nuôi ba ba nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Trong một lần giao hàng ở Tp. Hồ Chí Minh, nhờ hỏi thăm và ông biết được về cá dĩa. Ông tự tìm hiểu, thâm nhập thực tế, học hỏi nhiều người, đọc qua sách vở và bắt đầu với 3 hồ nuôi cùng 20 con cá dĩa. Dần dần, lượng cá dĩa ngày càng tăng lên, ông phát triển thêm hồ nuôi, nguồn khách hàng ngày càng nhiều và lợi nhuận theo đó cũng tăng cao. Đến nay, trại nuôi cá dĩa của ông Võ Tuấn Kiệt đã lên đến 500 hồ.

Hồ nuôi cá dĩa đẻ chỉ thả một cặp cá dĩa bố mẹ và đặt một giá thể để cá dĩa mẹ đẻ trứng. Đây cũng là môi trường để cá dĩa bố mẹ tự chăm sóc cho trứng nở thành cá dĩa con. Sau khi trứng nở, cá dĩa con được đưa ra hồ nuôi riêng.



Trại nuôi cá dĩa của ông Võ Tuấn Kiệt có quy mô lớn nhất ở Tp.Thủ Dầu Một
với 500 hồ nuôi cá dĩa các loại.


Bình quân 1 ngày 
ông Võ Tuấn Kiệt  thay nước 1 lần cho hồ nuôi cá dĩa.


Lợi nhuận bình quân của cơ sở nuôi cá dĩa Tuấn Tú khoảng 1 tỉ đồng/năm.


Giá thể để đặt vào hồ nuôi để cá dĩa mẹ đẻ trứng.


Ông Võ Tuấn Kiệt, chủ cơ sở nuôi cá dĩa Tuấn Tú là người có kinh nghiệm nuôi cá dĩa thương phẩm
lâu năm nhất ở Tp. Thủ Dầu Một.



Có rất nhiều loại cá dĩa được bày bán tại cơ sở nuôi cá dĩa Tuấn Tú để khách hàng có thể lựa chọn.


Trùn chỉ là thức ăn cho cá dĩa con...


...và tim bò, là thức ăn chủ yếu cho cá dĩa thương phẩm.


Hồ nuôi cá dĩa đẻ chỉ thả một cặp cá dĩa bố mẹ và đặt một giá thể để cá dĩa mẹ đẻ trứng.

Cá dĩa có nhiều loại, phân biệt theo cách nhận dạng hoặc theo màu sắc, hoa văn trên cơ thể như: bồ câu da rắn, bồ câu tiger, lam amirô, lam thường, sanh thường, sanh da rắn, hoa hồng, rếp… Thức ăn cho cá dĩa chủ yếu là tim bò và trùn chỉ. Theo ông Kiệt, cá dĩa là loài khó nuôi nên trước khi nuôi, cần tìm hiểu kỹ những đặc tính cơ bản của nó, biết được những biểu hiện các loại bệnh phổ biến và cách thức chữa trị từng loại bệnh khác nhau.

Từ năm 2004, khi mô hình nuôi cá dĩa của ông Võ Tuấn Kiệt tiến triển tốt, nhiều hộ trên địa bàn phường Chánh Nghĩa đã học tập, làm theo và phát triển nhanh chóng. Theo ông Kiệt, vốn ban đầu nuôi cá dĩa chỉ khoảng 2,5 triệu đồng đầu tư cho 3 hồ nuôi, máy oxi và khoảng 20 con cá dĩa. Chỉ sau một thời gian ngắn, nếu chăm sóc đúng quy cách, người nuôi sẽ nhanh chóng thu hồi vốn và mở rộng quy mô tùy theo nhu cầu từ đầu ra.

Ông Võ Tuấn Kiệt cho biết: “Tùy từng loại cá dĩa, thời gian nuôi có thể là 3-6 tháng, hoặc 8-9 tháng đến cả năm thì xuất bán. Giá cả tùy theo kích cỡ 8-10cm (chiều dài đầu-đuôi) là 100-200 nghìn/con, tùy theo màu sắc đặc biệt, hay kích cỡ lớn hơn, giá có thể lên 1-1,5 triệu đồng/con. Với con nhỏ kích cỡ như hạt dưa, giá chỉ khoảng 5-7 nghìn/con”.  Từ nhiều năm nay, lợi nhuận bình quân của cơ sở Tuấn Tú khoảng 80-100 triệu đồng/tháng, tính cả năm, lợi nhuận đạt cả tỉ đồng từ cá dĩa thương phẩm.

Hiện thị trường cá dĩa thương phẩm đã lan rộng ra cả nước, cơ sở nuôi cá dĩa Tuấn Tú của ông Võ Tuấn Kiệt có thị trường chính ở Hà Nội ngoài một số tỉnh, thành phía Nam. Sản phẩm cá dĩa hiện còn được xuất đi nhiều nước như: Singapore, Malaysia, Đài Loan… Theo ông Kiệt, dù cá dĩa thương phẩm đang được nuôi nhiều nhưng nhu cầu thị trường hiện rất lớn, 
cung vẫn không đủ cầu./.

Một số loại cá dĩa đẹp và bắt mắt:
















Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Thông Hải


Top