Kinh tế

Không thu hút FDI bằng mọi giá

Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong việc phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy FDI cũng có những mặt trái, nếu không nói là tiềm ẩn những hệ lụy khó lường. Vì thế, đã đến lúc Việt Nam cần tính tới việc không thu hút FDI bằng mọi giá.
Thực tế cho thấy rằng, trong thời gian qua, để phục vụ cho việc phát triển kinh tế, Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách nhằm thu hút vốn FDI. Tuy nhiên, có những dự án đầu tư không những không phát huy được hiệu quả mà còn gây nên những hệ lụy không hề nhỏ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tương lai. Điển hình là những dự án tận thu tài nguyên thiên nhiên hay gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Điều này đã gây nên những làn sóng bức xúc dữ dội trong dư luận xã hội.

Câu chuyện về đại dự án FDI Formosa Hà Tĩnh vừa gây nên vụ thảm họa môi trường biển ở các tỉnh miền Trung khiến cá chết hàng loạt dẫn tới việc hàng vạn ngư dân đứng trước nguy cơ phải bỏ biển ngồi bờ, kinh tế địa phương suy giảm nghiêm trọng... đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với công tác lựa chọn và quản lý các dự án FDI ở Việt Nam.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, không thể vì kinh tế, vì phát triển, vì đầu tư nước ngoài mà bỏ qua vấn đề môi trường.
Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Liên quan đến vấn đề nhức nhối này, tại phiên họp thường kỳ mới đây của Chính phủ, nói về vụ Formosa Hà Tĩnh chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng phải lên tiếng rằng: “Đây là vụ vi phạm môi trường nghiêm trọng, chưa có tiền lệ”.

Qua vụ việc này, bên cạnh việc điều hành các cơ quan chức năng nhanh chóng, quyết liệt vào cuộc điều tra, khắc phục hậu quả, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quán triệt không vì môi trường đầu tư mà bỏ qua môi trường sống của người dân. Ông nhấn mạnh: "Không thể vì kinh tế, vì phát triển, vì đầu tư nước ngoài và trong nước mà bỏ qua vấn đề môi trường. Đó là chủ trương cần quán triệt cụ thể”.

Và mới đây, làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã yêu cầu Bộ này kiểm soát chặt chẽ công tác quản lý đầu tư trong và ngoài nước, theo đó không thu hút FDI bằng mọi giá mà phải chọn lọc các dự án để hỗ trợ cho quá trình tái cơ cấu kinh tế. Dự án phải có công nghệ tốt, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, tăng cường xuất khẩu và đảm bảo thanh khoản ngoại tệ của quốc gia.

“Chúng ta phải có những bước thu hút đầu tư ở trình độ cao hơn để không xảy ra tình trạng một đất nước 2 nền kinh tế, một bên là các doanh nghiệp FDI và một bên là doanh nghiệp trong nước”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.


FDI có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế của Việt Nam.
Trong ảnh: Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, một trong những dự án FDI lớn của Việt Nam
với tổng mức đầu tư lên đến 9,3 tỉ USD. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN


Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Bluecom Vina (100% vốn Hàn Quốc) ở Hải Phòng.
Ảnh: Danh Lam/TTXVN


Với mức đầu tư trên 5 tỷ USD, Tổ hợp công nghệ cao Samsung tại Thái Nguyên đã thu hút trên 64.000 lao động.
Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN

Theo ý kiến của các chuyên gia, việc thu hút đầu tư là cần thiết nhưng cần gắn với quy hoạch phát triển ngành và vùng kinh tế. Và để nguồn vốn FDI phát huy tốt hiệu quả, Việt Nam cần có chế tài rõ ràng để buộc các cấp chính quyền địa phương tuân thủ quy hoạch chung, đặc biệt là có thái độ kiên quyết không cấp phép hoặc thu hồi giấy phép của những dự án không có khả năng thực hiện, gây tác động xấu đến môi trường, kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng...

Về lâu dài, nói như PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: “Chúng ta đã qua thời đói khát về vốn đầu tư và cũng qua cái thời dựa vào khai thác theo chiều rộng để tranh thủ đầu tư nước ngoài, mà chúng ta phải hướng tới chất lượng cao, hướng tới những công nghệ tốt, hướng tới những dự án tạo ra sự lan tỏa phát triển mạnh hơn”.

Vì vậy, theo PGS.TS Trần Đình Thiên, với tư cách là một đối tác bình đẳng, Việt Nam có quyền lựa chọn, có quyền căn cứ vào định hướng phát triển của mình để chọn những dự án đầu tư nào có hiệu quả cao nhất.


Trong quá trình hoạt động, một số doanh nghiệp FDI đã lợi dụng kẻ hở trong quản lý của Việt Nam để làm việc phi pháp,
điển hình như vụ Công ty Formosa Hà Tĩnh xả thải chất gây ô nhiễm ra biển gây nên thảm họa cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung.
Trong ảnh: Đoàn kiểm tra giám sát việc thu gom và tiêu hủy cá chết ở Quảng Trị. Ảnh Trần Tĩnh/TTXVN


Cơ quan chức năng lấy mẫu tìm nguyên nhân cá chết trên biển ở Quảng Trị. Ảnh Trần Tĩnh/TTXVN


Trước những chứng cứ thuyết phục, ông 
Trần Nguyên Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh
đã phải thừa nhận trách nhiệm gây ra sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung. Ảnh: TTXVN


Lãnh đạo Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh
cúi đầu xin lỗi và nhận trách nhiệm bồi thường, khắc phục hậu quả. Ảnh: TTXVN

 


Trong 6 tháng đầu năm 2016 nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 53 tỉnh thành phố, trong đó Hải Phòng là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất với 22 dự án cấp mới và 17 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,742 tỷ USD, chiếm 15,4% tổng vốn đầu tư. Hà Nội đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,63 tỷ USD, chiếm 14,45%. Tiếp theo là Bình Dương, Đồng Nai với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm lần lượt là 1,07 tỷ USD và 928,9 triệu USD.

(Nguồn: Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

 

Thực hiện: TTXVN/Báo ảnh Việt Nam

Tổ chức Plan International và Bộ ngoại giao Nhật Bản hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Tổ chức Plan International và Bộ ngoại giao Nhật Bản hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Với mong muốn giải quyết tình trạng thiếu cơ hội sinh kế và thu nhập thấp của thanh niên dân tộc thiểu số, Tổ chức Plan International và Bộ ngoại giao Nhật Bản đã triển khai dự án “Tăng cường trao quyền phát triển kinh tế cho Thanh niên dân tộc thiểu số tại Hà Giang và Lai Châu” giúp các thanh niên dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động có thêm kiến thức về phát triển kinh tế và mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất.

Top