Chân dung

“Huyền thoại” dương cầm Đặng Thái Sơn

Là người đầu tiên lập lên kỳ tích cho châu Á và trở thành một “huyền thoại” dương cầm của Việt Nam khi đoạt giải nhất cuộc thi piano quốc tế Frédéric Chopin tháng 10 năm 1980 ở Warszawa (Ba Lan), Nghệ sỹ Nhân dân (NSND) Đặng Thái Sơn tiếp tục tỏa sáng trên con đường nghệ thuật của mình với những chuyến biểu diễn liên tục khắp 30 quốc gia trên cả 4 châu lục: Á, Âu, Mỹ, Úc.

Dù chưa được đến thăm nhưng theo các đồng nghiệp của tôi thì khu biệt thự F.Chopin ở Zela Zowa Wola, cách Thủ đô Warsaw (Ba Lan) chừng 30 cây số có một tấm bảng vàng, ở đó nếu nghệ sỹ nào được khắc tên thì không chỉ vinh danh cá nhân mà còn là niềm tự hào của cả quốc gia, dân tộc. Và trên tấm bảng đó đã có tên một người Việt Nam: NSND Đặng Thái Sơn, người từng giành giải nhất cuộc thi nhạc quốc tến F.Chopin lần thứ 10 vào mùa thu 1980 tại Thủ đô Warsaw (Ba Lan).

Chắc không chỉ riêng tôi, với bất kỳ người Việt Nam nào khi biết tin này hẳn trong lòng đều trào dâng một cảm xúc tự hào. Không tự hào sao được bởi phải đến cuộc thi nhạc quốc tến F.Chopin lần thứ 14 (năm 2000), tức là sau 20 năm chạy đua với kỷ lục dương cầm mà Việt Nam đạt được, một đất nước lớn như Trung Quốc mới có một nghệ sĩ trẻ Lý Vân Địch đoạt giải nhất.

Trong lĩnh vực nghệ thuật, như lời NSND Đặng Thái Sơn chia sẻ, giải thưởng chỉ là bước khởi đầu và như một tấm vé để bước tiếp vào con đường nghệ thuật, nơi đòi hỏi mỗi người nghệ sỹ một ý chí kiên định cộng với ngọn lửa nghề phải luôn được thắp sáng.



NSND Đặng Thái Sơn  -  “huyền thoại” dương cầm của Việt Nam. Ảnh: Trần Thanh Giang


Nghệ sỹ dương cầm Đặng Thái Sơn trình diễn trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội tháng 12/1993. Ảnh: Trần Định 


Nghệ sỹ Đặng Thái Sơn trình diễn cùng Dàn nhạc giao hưởng Quốc gia
dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng người Anh F.Peter. Ảnh: Trần Định



 N
ghệ sỹ dương cầm Đặng Thái Sơn trình diễn sau khi đoạt giải Nhất Cuộc thi nhạc quốc tế F.Chopin
lần thứ 10 năm 1981 ở Warszawa (Ba Lan). Ảnh: Tư liệu Báo ảnh Việt Nam



 Giáo sư Liên xô V.A.Na-tan-xôn và người học trò yêu quý của ông tại Moscow (Liên Xô cũ)
những năm 1980. Ảnh: Tư liệu Báo ảnh Việt Nam



Đón Đặng Thái Sơn trở về thăm đất nước sau thắng lợi
tại Cuộc thi nhạc quốc tế 
F.Chopin lần thứ 10 năm 1981 ở Warszawa (Ba Lan) tại sân bay.
Từ phải sang trái: Bà Thái Thị Liên, mẹ nghệ sỹ Đặng Thái Sơn; Đại sứ Ba Lan tại Hà Nội I-an Xli-vin-xki, Đặng Thái Sơn;
Bộ trưởng Văn hóa và Thông tin Nguyễn Văn Hiếu. Ảnh: Tư liệu Báo ảnh Việt Nam



Khán giả và thầy cô giáo cũ tặng hoa cho nghệ sỹ Đặng Thái Sơn sau một buổi trình diễn của anh
 những năm 1980. Ảnh: Tư liệu Báo ảnh Việt Nam



Nghệ sỹ dương cầm Đặng Thái Sơn tháng 12/1993. Ảnh: Trần Định


Nghệ sỹ Đặng Thái Sơn và chị gái, Phó giáo sư, nghệ sỹ Đặng Thu Hà. Ảnh: Trần Định


Nghệ sỹ Đặng Thái Sơn trên đường phố Hà Nội những năm 1990. Ảnh: Trần Định


Một phần album của Nghệ sỹ dương cầm Đặng Thái Sơn phát hành tại Nhật Bản và Canada những năm 1980.
Ảnh: Trần Định

Với tinh thần đó, NSND Đặng Thái Sơn đã không “ngủ quên” trên đỉnh vinh quang mà tiếp tục nỗ lực toả sáng hơn. Sau giải nhất cuộc thi nhạc quốc tế F.Chopin năm đó, ông học thêm 3 năm nữa mới tốt nghiệp giáo trình của thầy Natanson. Sau đó, ông chuyển sang học thầy Dimitry Bahkirov. Bên cạnh việc thụ giáo nghề nghiệp, ông bắt đầu hành trình biểu diễn liên tục khắp 30 quốc gia trên cả 4 châu lục: Á, Âu, Mỹ, Úc.

Ngoài các tác phẩm của F.Chopin, ông còn nghiên cứu thêm nhiều tác giả với những tác phẩm âm nhạc nổi tiếng thế giới để biểu diễn, khi thì độc tấu, khi thì với các dàn nhạc giao hưởng dưới đũa chỉ huy của nhiều nhạc trưởng nổi tiếng. NSND Đặng Thái Sơn cũng đã từng thu âm ở nhiều phòng thu nổi tiếng như CBS Sony, Victor JVC, Melodya...  



Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn độc tấu piano trong chương trình biểu diễn
tại Nhà Hát Lớn (Hà Nội) tháng 3/2016.  Ảnh: Trần Thanh Giang



Phút thăng hoa trong tiết mục biểu diễn của Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn...  Ảnh: Trần Thanh Giang


...và thậm chí anh ngẫu hứng chơi đàn Piano chỉ bằng 1 tay. Ảnh: Trần Thanh Giang


Quang cảnh đêm biểu diễn của nghệ sĩ Đặng Thái Sơn tại Nhà hát Lớn (Hà Nội) tháng 3/2016. Ảnh: Trần Thanh Giang


Khán giả tặng hoa sau khi nghệ sĩ Đặng Thái Sơn kết thúc tiết mục biểu diễn. Ảnh: Trần Thanh Giang

Lưu diễn vòng quanh thế giới gần 1/4 thế kỷ qua, với biết bao chuyện buồn vui và mảnh đất Montreal (Canada) đã trở thành quê hương thứ hai của ông, nhưng với quê hương Việt Nam, trong ông vẫn là tình yêu vô bờ bến. Mặc dù là người con ly hương, nhưng NSND Đặng Thái Sơn vẫn tự coi mình là nghệ sĩ mang niềm kiêu hãnh của Việt Nam ra thế giới. Và ông đã nhiều lần trở về với mong muốn được đóng góp, cống hiến để giúp phát triển nền âm nhạc cổ điển của Việt Nam. Đó là hàng loạt các hoạt động phải kể đến từ việc tặng đàn, kinh phí cho Nhạc viện Hà Nội, Hội nhạc sỹ Việt Nam cho đến việc trao tặng các suất học bổng cho các “nghệ sỹ dương cầm nhí” của Việt Nam và tham gia vào các chương trình hoà nhạc, cuộc thi âm nhạc ở trong nước và khu vực Châu Á.

Hằng năm, ông vẫn về tham dự Cuộc thi Piano Quốc tế Hà Nội được tổ chức vào đầu tháng 9. Tại cuộc thi này, năm nào ông được mời vào vị trí Chủ tịch danh dự. Điều làm chúng tôi ấn tượng nhất khi gặp ông tại quê nhà là “sự dễ chịu” trong con người của ông. Ở một vị trí đỉnh cao mà bao nghệ sỹ trên thế giới đang cố gắng rèn luyện để hướng tới, nhưng con người ông vẫn luôn giữ được hai trạng thái đó là sự sang trọng, quý phái, tinh tế và lãng mạn trong âm nhạc nhưng lại vô cùng bình dị, mộc mạc và chân thành trong lối sống.



NSND Đặng Thái Sơn bên phím dương cầm.  Ảnh: Trần Thanh Giang


NSND Đặng Thái Sơn trong cuộc gặp với báo giới
về cuộc thi Piano quốc tế Hà Nội lần thứ 3 (tháng 9/2015). Ảnh: Trần Thanh Giang



NSND Đặng Thái Sơn (thứ hai, từ trái sang) tại cuộc thi Piano quốc tế Hà Nội lần thứ 3. Ảnh: Trần Thanh Giang


NSND Đặng Thái Sơn chụp ảnh lưu niệm cùng hai thí sinh đoạt giải cao
trong cuộc thi Piano quốc tế Hà Nội lần thứ 3. Ảnh: Trần Thanh Giang



NSND Đặng Thái Sơn cùng mẹ là NSND Thái Thị Liên.  Ảnh: Trần Thanh Giang

Như chính câu nói mà người ta đã giành tặng cho ông: “ Đặng Thái Sơn đã "chơi" F.Chopin như định mệnh. Định mệnh ấy đã tạo Sơn thành "Đỉnh dương cầm xanh". Ông thực sự xứng đáng là một niềm kiêu hãnh không chỉ của dân tộc Việt Nam mà còn là một “dương cầm gia” đáng kính của thế giới./.



- "Duyên dáng và minh mẫn, đặc biệt là khi chơi nhạc với một trực giác không có sự hướng dẫn nào. Hà Nội, nơi sinh Đặng Thái Sơn thật tuyệt vời...sức nặng những ngón đàn của anh đã giữ một sự cân bằng và chất thơ..." (The Gazette Montrian 17/4/1993).
- "Đặng Thái Sơn, chàng trai Việt Nam chơi bản concerto cung đô thứ của S.Rachmaninov cùng dàn nhạc thì đã hội tụ đầy đủ cái đẹp, chất thơ và dung dị. Âm hưởng mạnh mẽ được xen kẽ với những nét tinh tế bởi đôi bàn tay khéo léo..." (The Japan Time - Tokyo 20/6/1993).


Bài: Thảo Vy - Ảnh: Trần Thanh Giang, Trần Định & Tư liệu BAVN

Lương y Cao Văn Minh - Bàn tay vàng trong trị liệu xương khớp

Lương y Cao Văn Minh - Bàn tay vàng trong trị liệu xương khớp

Với bàn tay tài hoa và cái tâm của người thầy thuốc, Lương y Cao Văn Minh - người được kế thừa các bài thuốc quý gia truyền của dòng tộc Cao và được đào tạo bài bản tại trường Trung cấp Y dược Tuệ Tĩnh Hà Nội, đã và đang điều trị các bệnh lý về xương khớp, đĩa đệm, thoái hóa đốt sống cổ và bại liệt cho hàng chục ngàn bệnh nhân ở Việt Nam và nước ngoài.

Top