Kinh tế

Hợp tác xã kiểu mới - “bệ đỡ” ngành nông nghiệp

Thời gian qua, mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới triển khai tại nhiều địa phương trên cả nước đã mang hiệu quả cao, đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp. Một trong những ví dụ điển hình là HTX rau Ba Chữ (xã Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội).
Đến HTX rau Ba Chữ (xã Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội), chị Nguyễn Thị Huyền (Chủ nhiệm HTX) dẫn chúng tôi đi thăm từng ruộng rau sạch của các thành viên trong HTX. Đó là những ruộng rau được gắn một tấm biển, trên đó có ghi rõ họ tên chủ hộ, ngày trồng và dòng chữ “an toàn từ ruộng, truy xuất tới hộ”. Theo chị Nguyễn Thị Huyền, mỗi thành viên trong HTX đều có một quyển nhật ký đồng ruộng, trong đó ghi rõ ngày trồng, thời gian cách ly và thu hoạch của ruộng rau đó. Nguyên tắc này được áp dụng kể từ khi HTX làm điểm mô hình trồng rau sạch theo quy trình PGS (Participatory Guarantee System - Hệ thống bảo đảm cùng tham gia) do Cục bảo vệ thực vật Hà Nội triển khai. Đây là hệ thống bảo đảm dựa vào sự tham gia của các tổ chức và con người có liên quan trực tiếp vào chuỗi cung cấp hữu cơ. Theo đó, những loại rau được xuất cho các đơn vị thu mua, đều được HTX giữ mẫu lại, và cam kết hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu xảy ra vấn đề về an toàn thực phẩm.

Cũng theo chị Huyền, mô hình HTX kiểu mới có ưu điểm là sản phẩm của HTX làm ra có giá trị cao hơn, theo đó quyền lợi của các xã viên rõ ràng hơn và tính pháp lý cũng chắc chắn và ổn định hơn. Cụ thể của việc nâng cao giá trị sản phẩm đó là các thành viên trong HTX sẽ được học tập và triển khai mô hình PGS - hệ thống đảm bảo chất lượng trong sản xuất rau hữu cơ, rau an toàn tức là sản phẩm làm ra được chứng nhận an toàn từ ruộng, đủ độ cách ly và từ đó khẳng định được thương hiệu rau sạch của HTX.



Vùng trồng rau của HTX rau Ba Chữ (xã Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội), một trong những HTX kiểu mới điển hình của thành phố Hà Nội.


Hiện nay, HTX rau Ba Chữ đang cung cấp rau sạch cho các đơn vị đầu mối phân phối trên khắp địa bàn Hà Nội.


Cây rau giống được ươm tại vườn của HTX.


Với việc áp dụng quy trình PGS, các công đoạn chăm bón đều được thực hiện
theo những tiêu chuẩn về thời gian và được ghi chi tiết trong nhật ký đổng ruộng.


Cà chua trồng theo tiêu chuẩn PGS của HTX rau Ba Chữ.


Rau cải sạch được thành viên trong HTX sơ chế và cân ngay tại ruộng theo đơn đặt hàng của các đầu mối thu mua vừa và nhỏ.


HTX rau Ba Chữ hiện có tổng diện tích là 32 ha, trong đó đã có 17ha có giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn sản xuất rau an toàn
của Chi cục bảo vệ thực vật Hà Nội. 15ha còn lại đã được Chi cục bảo vệ thực vật Hà Nội kiểm tra
đạt tiêu chuẩn và đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ cấp giấy chứng nhận.


Vừa qua, Liên hiệp HTX tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam (UCA) đã khai trương hệ thống  siêu thị
thực phẩm nông sản an toàn Việt Nam (UCA Mart) tại Hà Nội,
nhằm giới thiệu nông sản an toàn của các HTX nông nghiệp trên cả nước đến tay người tiêu dùng. 


Mỗi sản phẩm được bày bán trong UCA Mart đều được dán một mã cốt
trên sản phẩm để người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc.


Tại hệ thống siêu thị nông sản an toàn UCA Mart,
người tiêu dùng có thể sử dụng những chiếc điện thoại smartphone để truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.

Ý nghĩa quan trọng của PGS là người sản xuất tham gia vào tiến trình thanh tra chéo lẫn nhau. Tính ưu việt của hệ thống giám sát PGS là khuyến khích sự tham gia trực tiếp của nông dân và người tiêu dùng vào quá trình chứng nhận sản phẩm sẽ làm giảm bớt công việc giấy tờ sổ sách trong hệ thống, giúp người sản xuất quy mô nhỏ có thể tham gia, và đặc biệt là chi phí chứng nhận ở mức thấp.

Bà Từ Thị Tuyết Nhung, Trưởng điều phối PGS tại Việt Nam cho biết, PGS đang được áp dụng rộng rãi ở các nước phương Tây và một số nước châu Á. Ở Việt Nam, PGS đang được một số dự án của các tổ chức phi chính phủ giới thiệu và áp dụng trong giám sát và quản lý chất lượng rau hữu cơ được sản xuất bởi các nông hộ có quy mô nhỏ tại nhiều địa phương trong cả nước.

Với việc áp dụng hệ thống PGS, hiệu quả hoạt động của mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới như mô hình của HTX rau Ba Chữ đang từng bước được khẳng định./.
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Tất Sơn

Tổ chức Plan International và Bộ ngoại giao Nhật Bản hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Tổ chức Plan International và Bộ ngoại giao Nhật Bản hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Với mong muốn giải quyết tình trạng thiếu cơ hội sinh kế và thu nhập thấp của thanh niên dân tộc thiểu số, Tổ chức Plan International và Bộ ngoại giao Nhật Bản đã triển khai dự án “Tăng cường trao quyền phát triển kinh tế cho Thanh niên dân tộc thiểu số tại Hà Giang và Lai Châu” giúp các thanh niên dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động có thêm kiến thức về phát triển kinh tế và mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất.

Top