Kinh tế

Hội tụ “địa chỉ xanh - nông sản sạch” Thủ đô

Khi mà vấn đề Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) còn là nỗi lo âu của nhiều người thì "Tuần lễ Nông sản an toàn" với chương trình “Địa chỉ xanh – Nông sản sạch” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) triển khai đã tạo được niềm tin cho người tiêu dùng Thủ đô khi giới thiệu những sản phẩm nông sản thực phẩm đảm bảo an toàn.

Trong một tuần diễn ra Chương trình "Địa chỉ xanh – Nông sản sạch” (tháng 5/2016) tại Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (số 489 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội) đã thu hút sự chú ý của rất đông người dân Thủ đô.

Với hơn 100 gian hàng, bày bán đủ các loại mặt hàng nông sản như: gạo, trứng, rau, củ, chè, mật ong… của các đơn vị, cơ sở sản xuất nông sản an toàn, được Bộ NN&PTNT cấp chứng chỉ. Triển lãm cũng mang đến cho người tiêu dùng Thủ đô một số mô hình trồng rau sạch phổ biến tại các đô thị trên thế giới như mô hình trồng rau thủy canh của Học Viện Nông nghiệp Việt Nam.

 


Sản phẩm trà sạch thương hiệu An An của công ty cổ phần trà Tân An (Thái Nguyên) bày bán tại Tuần lễ Nông sản an toàn.


Sản phẩm trứng sạch Ba Huân được giới thiệu tại Tuần lễ Nông sản an toàn. 


Sản phẩm Đông trùng Hạ thảo của Viện bảo vệ Thực vật.


Sản phẩm tỏi Lý Sơn nổi tiếng cũng có mặt tại Tuần lễ Nông sản an toàn.


Sản phẩm mật ong của Công ty Cổ phần phát triển ong miền núi.


Khách hàng thử sản phẩm mật ong của Công ty Cổ phần phát triển ong miền núi.


Gạo Séng Cù một thương hiệu có tiếng của Vinafood.


Gian hàng trưng bày một số đặc sản miền núi phía Bắc của Ban quản lý Hội chợ Nông lâm Thủy sản Việt Nam.   


Đặc sản nước mắm Cát Hải của Hải Phòng.


Sản phẩm quế, hồi của Công ty TNHH Chế biến và xuất khẩu nông lâm sản Lạng Sơn. 

Tuần lễ cũng đã cung cấp thêm 69 địa chỉ cung cấp sản phẩm nông sản an toàn, được xác nhận kiểm soát ATTP theo chuỗi triển khai đợt cao điểm năm vệ sinh ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp 2016. Việc tổ chức Tuần lễ Nông sản an toàn chỉ là một trong một chuỗi các hoạt động như phát triển, kết nối, kiểm tra, kiểm soát các vùng trồng nông sản sạch được Bộ NN&PTNT triển khai trước đó.

Tính đến nay, Hà Nội đã kiểm soát các nông sản thực phẩm qua chương trình kết nối tiêu thụ vào Hà Nội như: chuỗi rau được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh Hòa Bình, Sơn La với hệ thống cửa hàng, siêu thị Biggreen, Fivimart, chuỗi thịt gà DaBaCo Bắc Ninh...

Trong quá trình hàng hóa được đưa về Hà Nội, các cơ quan chức năng của thành phố đã liên tục theo dõi, lấy 437 mẫu sản phẩm nông, lâm, thủy sản tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh và chợ đầu mối để giám sát chất lượng, VSATTP. Theo đó, với những sản phẩm không đảm bảo chất lượng, cơ quan chức năng của thành phố đã tiến hành truy xuất tận cùng nguồn gốc sản phẩm, đồng thời thông báo cho Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đến các tỉnh có mẫu vượt mức cho phép về chất lượng ATTP. Từ đó, góp phần không nhỏ trong việc ngăn chặn cũng như tìm ra các biện pháp quản lý chặt chẽ, khoa học để đảm bảo chất lượng VSATTP với những sản phẩm nông nghiệp cung cấp cho người tiêu dùng Thủ đô.

Ngoài ra, để thúc đẩy các hoạt động mua bán trao đổi nông sản, năm 2015, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội đã đưa được trên 100 lượt doanh nghiệp của Hà Nội đi hợp tác với doanh nghiệp của các tỉnh, thành phố để đánh giá năng lực sản xuất, chất lượng nông sản đưa về tiêu thụ tại Hà Nội. Thông qua đó đã ký kết được trên 40 hợp đồng liên kết cung cấp sản phẩm và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và liên kết tiêu thụ sản phẩm về Hà Nội.  
 


Mô hình trồng rau thủy canh được thiết kế phù hợp với môi trường sống tại các đô thị.


Khách hàng đang tìm hiểu mô hình trồng rau thủy canh của Học viện Nông nghiệp Việt Nam
trưng bày tại Tuần lễ Nông sản an toàn.



Ngoài mô hình trồng rau thủy canh, Học viện Nông nghiệp Việt Nam
cũng giới thiệu đến người tiêu dùng Thủ đô các mô hình trồng rau hữu cơ quy mô nhỏ.

Việc xúc tiến thương mại trong nông nghiệp giữa Hà Nội và các tỉnh lân cận đang được coi là một hướng đi đúng đắn, hiệu quả giúp cho nông sản Thủ đô được kiểm soát ngày càng chặt chẽ hơn. Qua đó, người tiêu dùng Thủ đô cũng được tiếp cận một cách đầy đủ, chính thống với những cơ sở, đơn vị sản xuất nông sản đạt tiêu chuẩn trong nước.
 
Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ phát huy vai trò là một điểm mẫu về xúc tiến thương mại, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích việc xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp để thu hút các tỉnh, thành sản xuất nông sản an toàn cho Thủ đô. Đáp ứng được nhu cầu chính đáng của người tiêu dùng Thủ đô là tìm mua được những nông sản an toàn, chất lượng, đảm bảo sức khỏe cho chính mình và gia đình./.
 
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Trần Thanh Giang     

Hà Nội nâng cao năng lực chế biến nông sản cho doanh nghiệp

Hà Nội nâng cao năng lực chế biến nông sản cho doanh nghiệp

Những năm gần đây đặc biệt là sau đại dịch Covid 19, ngành công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm của Hà Nội đã phát triển mạnh đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng cần những sản phẩm chế biến nhanh, đảm bảo dinh dưỡng và tiện lợi trong sống. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng nhà máy chế biến, kho lạnh, kho bảo quản… góp phần chuyên nghiệp hóa giá trị sản phẩm nông nghiệp mang lại một phong cách tiêu dùng mới: nhanh, ngon, chất lượng.

Top