Văn hóa

Giao lưu nét vẽ “Vũ điệu Tuổi thơ” Việt-Nhật

Lần đầu tiên, tranh vẽ của các em thiếu nhi Việt Nam và Nhật Bản về cuộc sống con người của đất nước mình cùng hội tụ trong sân chơi có tên “Vũ điệu tuổi thơ”.
160 bức tranh của các em thiếu nhi Việt Nam do Trung tâm Nghệ thuật Hoa Tâm tổ chức và 33 bức tranh của các em thiếu nhi Nhật Bản do CLB Mỹ thuật Baru Studio Nhật Bản tập hợp được triển lãm tại và Tokyo (Nhật Bản) vào tháng 5 và Hà Nội ( Việt Nam) vào tháng 6.

Dù cách xa nhau 3700km không có điều kiện để gặp mặt nhưng tâm hồn các em thiếu nhi hai nước đã gặp nhau qua sự giao lưu của những bức tranh ngộ nghĩnh đầy màu sắc. Hoạt động nghệ thuật do hai CLB của hai nước Việt Nam, Nhật Bản tổ chức là sự kiện văn hóa rất đẹp liên kết tuổi thơ của các em bé Việt Nam- Nhật Bản, nhằm cổ vũ những tài năng hội họa nhí, chắp cánh những ước mơ của các em đưa các tác phẩm vẽ về đất nước mình đến với thiếu nhi trên thế giới.

Với các chất liệu phong phú đa dạng từ bột màu, màu nước, màu sáp, thậm chí cả sơn dầu... triển lãm cho thấy cách nhìn trẻ trung và nét vẽ mảng màu đa dạng, màu sắc rực rỡ, đề cập tới nhiều đề tài gắn bó với đời sống sinh hoạt hằng ngày của các em thiếu nhi Việt Nam và Nhật Bản, nét vẽ của các em rất giàu ý tưởng và sự sáng tạo nhưng cũng rất đỗi ngộ nghĩnh, duyên dáng.



Haruka Hasegawa với tác phẩm” Nhật Bản năm mới”.


Ayaka Ohuo  với  tác phẩm “Nhật Bản”.


“Lớn lên em thích làm cô giáo dạy múa” của 
Phạm Minh Châu.


Miyako Sugasawa với tác phẩm “Pháo hoa”.


Biện Bảo Lan với tác phẩm “Chăn trâu”.


Lại Hữu Khương Duy với tác phẩm “Phố nhỏ”.


Tác phẩm “Tiếng đàn” của 
Nguyễn Trúc Linh Anh.


Tô Diễm Quỳnh Hương với tác phẩm “Rừng”.


Một góc trưng bày Tác phẩm “Giao lưu nét vẽ tuổi thơ” tại Tokyo (Nhật Bản).


Họa sĩ Haruko Cho (CLB Mỹ thuật Baru Studio, Nhật Bản, rất thích các bức tranh rực rỡ sắc màu của thiếu nhi Việt Nam.

Bằng bản năng nghệ thuật vô cùng nguyên thủy, các em thể hiện con người, cảnh vật thật gần gũi và thân quen. Đặc biệt các em vẽ  bằng cảm nhận mà nếu nhìn vào đó người xem có thể thấy rõ cái đặc thù thuộc tính chứ không phải cái bề ngoài thường tình. Chính điều này tạo nên cái duyên, cái đẹp cho tác phẩm nhưng trước hết đó là sự ngộ nghĩnh đáng yêu của trẻ thơ.

Họa sĩ Haruko Cho (CLB Mỹ thuật Baru Studio, Nhật Bản) cho biết, khi xem những bức tranh của thiếu nhi hai nước bà nhận thấy tâm hồn các em thật trong sáng, dễ thương. Các em thiếu nhi Việt Nam do sống ở thành phố nhộn nhịp, giao thông đông đúc và khí hậu 
Hà Nội nóng nên tranh của các em nghiêng về sự năng động, màu sắc phong phú, sặc sỡ, còn các em Nhật Bản lại sử dụng những gam màu thanh thoát, tranh ít chi tiết nên nhẹ nhàng hơn.

Xem tranh thì thấy các em đều dạt dào cảm xúc yêu gia đình, yêu đất nước mình thông qua những nét vẽ đáng yêu mà các em nhìn thấy trong cuộc sống hàng ngày. Ví dụ như em Nguyễn Mỹ Anh, sinh năm 2007 (Việt Nam) vẽ chân dung ông bà em, cả hai ông bà, em đều vẽ môi đỏ hình trái tim hay góc nhìn rất ngộ của em Khánh An (sinh năm 2011), vẽ “Rước đèn Trung Thu” với gam màu đỏ chói, em Lan Anh vẽ “Làng Gốm Bát Tràng” với hoạt động các em nhỏ đang nặn bình gốm, em Nam Anh  với bức tranh “ Thanh Bình”, em vẽ người ngồi dưới những hàng cây sum suê dưới nắng mặt trời, em Nguyễn Trúc Linh Anh vẽ “ Tiếng Đàn” hay Tô Diễm Quỳnh Hương vẽ “Rừng”…Em Misaki Anzai (sinh năm 2010) vẽ nước Nhật với hình ảnh các em học sinh mặt đỏ, lá cờ và hình ông mặt trời, còn “Đi bộ ở Nhật dưới Tháp Tokyo” của em Ogawa là hình ảnh dòng người đi thẳng tắp dưới chân tháp, em Nishiyama (sinh năm 2011) với tranh “Fuji và Skytree” là những đám mây và cây xanh, ngoài ra còn có “Nhật Bản năm mới” của Haruka Hasegawa hay “Pháo hoa" của Miyako Sugasawa.

Những tác phẩm của thiếu nhi hai nước được tập hợp và triển lãm tại Tokyo và Hà Nội đều thu hút rất đông người đến xem. Bà Nguyễn Thị Nhàn, giám đốc Trung tâm nghệ thuật Hoa Tâm cho biết: "Trung tâm Hoa Tâm sẽ đưa hoạt động giao lưu này thành truyền thống hàng năm để các em thiếu nhi Việt Nam được mở rộng giao lưu với thiếu nhi thế giới thông qua tranh vẽ".


Họa sĩ Nguyễn Thị Nhàn (Giám đốc Trung tâm nghệ thuật Hoa Tâm) và các em thiếu nhi Nhật Bản tại triển lãm ở Tokyo.


Họa sĩ Haruko Cho (bên trái) và họa sĩ Nguyễn Thị Nhàn (Việt Nam)
cùng trò chuyện về các bức tranh của học sinh Việt Nam.


Các em thiếu nhi Việt Nam cùng vẽ tranh.


Họa sĩ Haruko Cho dự một buổi học vẽ với học sinh Việt Nam.


Họa sĩ Haruko Cho hướng dẫn các em học sinh Việt Nam vẽ tranh.

Nhà phê bình mỹ thuật Lê Quốc Bảo cho rằng: "Cảm nhận đầu tiên của tôi khi xem các tác phẩm là sự ngạc nhiên và thích thú vì sự đa dạng về tạo hình, phong phú về  thể loại, chất liệu và kỹ thuật. Tôi mong có nhiều sân chơi như này để những tiếng nói từ tâm hồn các em gửi gắm trong từng bức tranh không phải nằm im trong cặp vẽ mà được trang trọng đàng hoàng bày tỏ với những người yêu nghệ thuật và hội họa. Các em được trải nghiệm niềm vui của nghệ sĩ thực thụ khi mà tiếng lòng và tâm hồn của các em được bộc bạch một cách rộng rãi với công chúng"./.
 
Bài: Trần Vân - Ảnh: Trần Thanh Giang


Top