Kinh tế

Động lực liên kết kinh tế ASEAN

"Từng thành viên ASEAN không thể phát triển nếu chỉ dựa vào khai thác tài nguyên và lao động giản đơn mà cần đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu sâu hơn và vươn lên các giá trị gia tăng cao hơn", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như vậy khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh ASEAN Bloomberg 2016 diễn ra vào tháng 12 vừa qua tại Hà Nội.
Đây là năm thứ ba Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh ASEAN Bloomberg được tổ chức, nhưng là năm đầu tiên hội nghị thu hút các nhà lãnh đạo ASEAN trong lĩnh vực kinh doanh, tài chính đến cơ quan chính phủ có mặt tại Việt Nam tham dự để phản ánh về sự phát triển đã đạt được trong khu vực, thảo luận các biện pháp để vượt qua những thách thức và xác định những cơ hội quan trọng cho sự tăng trưởng, hợp tác và phát triển.

Hội nghị tập trung đánh giá về những chính sách trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), chính sách trong khu vực hiện tại, giai đoạn phát triển tiếp theo của Việt Nam và ASEAN, thương mại và đầu tư xuyên biên giới trong khu vực. Các cuộc thảo luận chi tiết tập trung vào các lĩnh vực tăng trưởng, như hàng tiêu dùng, cơ sở hạ tầng, hàng hóa và năng lượng, tài chính ngân hàng, các phương tiện truyền thông và công nghệ.

Ông Parry Ravindranathan, Giám đốc điều hành Bloomberg Media quốc tế nhận xét: “Việt Nam là một trong những nền kinh tế tiềm năng nhất trong khu vực ASEAN. Sự hợp tác xuyên biên giới giữa các công ty và các quốc gia trong ASEAN sẽ được ưu tiên hàng đầu bởi đây chính là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng và phát triển”.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, thực hiện tầm nhìn 2025, Việt Nam đang cùng các nước ASEAN quyết tâm tiếp tục củng cố, làm sâu sắc hơn nữa liên kết ASEAN, xây dựng một Cộng đồng ASEAN vận hành theo luật, thực sự hướng tới người dân, bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích cho người dân; có quan hệ rộng mở với các đối tác có vai trò và vị thế ngày càng quan trọng ở cả trong khu vực và toàn cầu.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh ASEAN Bloomberg 2016.
Ảnh: Thống Nhất/TTXVN


Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Theo Thủ tướng, ASEAN không chỉ là thị trường rộng lớn với dân số hơn 600 triệu người mà còn là khu vực kinh tế có quy mô GDP đạt gần 3.000 tỷ USD, đang phát triển mạnh mẽ với cộng đồng doanh nghiệp ASEAN năng động, sáng tạo. Vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực, nhất là hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, đã nhận được sự tham gia ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp quốc tế, bao gồm cả những tập đoàn hàng đầu trên thế giới.

Thông tin đến các diễn giả, doanh nghiệp, Thủ tướng cho biết, đến nay Việt Nam đã trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình, có dân số hơn 90 triệu người, có nền kinh tế năng động. Năm 2016, tăng trưởng GDP ước đạt 6,3%, bình quân giai đoạn ‎2016-2020 sẽ tăng 6,5 đến 7%; thương mại có độ mở cao với tổng kim ngạch 2016 gấp 1,7 lần GDP, ước đạt 360 tỉ USD.

Việt Nam đang có 22.000 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI với tổng vốn 300 tỉ USD. Ngoài ra, Việt Nam đã có 600.000 doanh nghiệp đang hoạt động, 3,5 triệu hộ kinh doanh cá thể, đang hướng tới mục tiêu có trên 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.

Bên cạnh là thành viên Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) 2015, Việt Nam đã kí tham gia 12 Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) có độ mở tiêu chuẩn cao, mở ra không gian hợp tác và phát triển rộng lớn với 55 quốc gia, đối tác, trong đó có các nước G7, 15/20 nước thuộc nhóm G20.
 

ASEAN đoàn kết đẩy mạnh kết nối kinh tế nội khối.
Trong ảnh: Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 48 tại Lào. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN


Không chỉ tăng cường hợp tác nội khối, ASEAN còn đẩy mạnh hợp tác với các đối tác ngoài khu vực.
Trong ảnh: Lãnh đạo các nước ASEAN và Nga tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp ASEAN – Nga
tại thành phố Sochi. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN


Đại sứ quán Việt Nam, Malaysia và Thái Lan tại Đức
phối hợp tổ chức hội thảo xúc tiến kêu gọi đầu tư vào ASEAN. Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận thế giới và khu vực ASEAN đang phải đối mặt với những thách thức to lớn trên nhiều lĩnh vực về an ninh, kinh tế, lương thực, tiền tệ, biến đổi khí hậu, chủ nghĩa bảo hộ đang có nguy cơ trở lại... Tuy nhiên, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng đem lại nhiều cơ hội thuận lợi cho phát triển.

Trong bối cảnh đó, các nước ASEAN cần đoàn kết đẩy mạnh kết nối kinh tế, phát triển hạ tầng giao thông và liên kết mềm nhằm tạo thuận lợi cho lưu chuyển hàng thương mại, đầu tư và dịch vụ qua biên giới, xây dựng thị trường ASEAN thống nhất, hiệu quả.

"Cộng đồng doanh nghiệp ASEAN có vai trò là chủ thể, là động lực của tiến trình liên kết kinh tế và đóng vai trò khởi xướng các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp, tạo động lực mới trong phát triển thương mại và đầu tư”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp, các nhà đầu tư ngoài khu vực sẽ tìm thấy cơ hội hợp tác cùng có lợi với các đối tác ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ Việt Nam cũng đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chào đón tất cả các doanh nghiệp ASEAN và quốc tế đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư tin cậy, hấp dẫn.


Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp đoàn doanh nghiệp Brunei do Hoàng tử Pengiran Muda Abdul Quawi 
dẫn đầu sang tìm hiểu cơ hội hợp tác và đầu tư tại Việt Nam. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN


Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam và Bộ Giao thông Công chính Campuchia họp bàn kế hoạch 
hợp tác, kết nối hạ tầng giao thông để thúc đẩy phát triển kinh tế giữa hai nước. Ảnh: Danh Chanh Đa/TTXVN



Unitel, một biểu tượng hợp tác nổi bật trong lĩnh vực viễn thông Việt – Lào. Ảnh: Hoàng Chương/TTXVN


Tập đoàn Thái Hoà của Việt Nam đầu tư trồng cà phê và cao su tại Lào. Ảnh: Trần Việt/TTXVN


Các doanh nghiệp ASEAN tham gia Hội chợ Triển lãm Quốc tế Thủy sản Việt Nam 2016 (VIETFISH 2016).
Ảnh: Thế Anh/TTXVN


Cty TNHH Sơn Toa Việt Nam, doanh nghiệp 100% vốn của Thái Lan,
đầu tư sản xuất hiệu quả tại Việt Nam. Ảnh: An Hiếu/TTXVN
 
TTXVN/Báo ảnh Việt Nam

Hà Nội nâng cao năng lực chế biến nông sản cho doanh nghiệp

Hà Nội nâng cao năng lực chế biến nông sản cho doanh nghiệp

Những năm gần đây đặc biệt là sau đại dịch Covid 19, ngành công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm của Hà Nội đã phát triển mạnh đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng cần những sản phẩm chế biến nhanh, đảm bảo dinh dưỡng và tiện lợi trong sống. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng nhà máy chế biến, kho lạnh, kho bảo quản… góp phần chuyên nghiệp hóa giá trị sản phẩm nông nghiệp mang lại một phong cách tiêu dùng mới: nhanh, ngon, chất lượng.

Top