Tin tức

Doanh nghiệp Việt-Lào đánh giá cao hai hiệp định thương mại hai nước


May hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu tại Garco 10. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Theo phóng viên TTXVN tại Vientiane, ngày 5/7, tại tỉnh Savannakhet, Trung Lào, Bộ Công Thương Việt Nam, Bộ Công Thương Lào, phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Savannakhet đã tổ chức Hội nghị phổ biến Hiệp định Thương mại, Hiệp định Thương mại Biên giới Việt Nam-Lào nhằm tuyên truyền phổ biến nội dung của hai Hiệp định đến cộng đồng doanh nghiệp hai nước, đồng thời để lắng nghe những phản ánh về thuận lợi, khó khăn, kiến nghị của khối doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại Lào-Việt Nam.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Nguyễn Cẩm Tú cho biết thực hiện chủ trương chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước về tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện Lào-Việt Nam, đặc biệt chú trọng đưa quan hệ kinh tế, thương mại đi vào trọng tâm, trọng điểm, tháng 3/2015, Việt Nam và Lào đã ký Hiệp định thương mại song phương để thay thế cho bản Hiệp định năm 1998 đã lạc hậu.

Tháng 6/2015, Việt Nam và Lào tiếp tục ký Hiệp định thương mại biên giới, dành cho nhau các ưu đãi đặc biệt vốn không áp dụng với bất cứ nước nào khác.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú, sau khi hai Hiệp định được ký kết, Bộ Chính trị hai nước rất quan tâm và đã chỉ đạo trực tiếp việc tuyên truyền phổ biến về nội dung và các điểm mới của hai Hiệp định tới cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Lào.

Tại cuộc họp lần thứ 38 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào vừa qua, Lãnh đạo Chính phủ hai nước cũng chỉ đạo về việc tuyên truyền, phổ biến hai Hiệp định trên, do vậy, hội nghị ngày 5/7 chính là sự cụ thể hóa chỉ đạo của Đảng và Chính phủ hai nước đối với việc hỗ trợ hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Lào.

Thứ trưởng tin tưởng với những thông tin về Hiệp định Thương mại, Hiệp định Thương mại Biên giới được phổ biến, các cơ quan liên quan của Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công Thương Lào sẽ giúp các doanh nghiệp nắm bắt thêm các cơ hội làm ăn tại hai nước, từ đó có thể định hình chiến lược kinh doanh của mình trong thời gian tới.

Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú khẳng định Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công Thương Lào luôn sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp hai nước để khai thác tốt tiềm năng và cơ hội sẵn có, qua đó giúp nâng cao hoạt động thương mại và đầu tư song phương ngang tầm với quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam và Lào.

Trong phát biểu của mình, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lào, ông Sieusavath Savengsuksa, đã kêu gọi các doanh nghiệp tích cực nêu những ý kiến thắc mắc của mình về nội dung Hiệp định để Lãnh đạo hai Bộ có cơ hội chia sẻ và cung cấp cho các doanh nghiệp những câu trả lời hữu ích và chuẩn xác về các nội dung của hai Hiệp định.

Hội nghị đã nghe các tham luận về Tổng quan quan hệ thương mại Lào-Việt thời gian qua và đôi nét về Hiệp định thương mại song phương Việt-Lào; Hiệp định Thương mại Biên giới Việt Lào, do các quan chức của hai Bộ trình bày.

Hội nghị cũng lắng nghe nhiều kiến nghị của các doanh nghiệp về các thắc mắc liên quan tới nội dung của hai Hiệp định, tất cả các thắc mắc này đã ngay lập tức được quan chức hai Bộ giải thích đến nơi đến chốn.

Đánh giá về hiệu quả mà hai Hiệp định mang lại khi trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Lào, ông Phan Thanh Thủ, Giám đốc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai Attapeu, cho biết đây là cơ hội vô cùng tốt cho các doanh nghiệp hai nước, tạo cho giới doanh nghiệp niềm tin và động lực tốt hơn trong kinh doanh.

Theo ông, trước kia chưa có Hiệp định Thương mại Biên giới, sản phẩm đường do Tập đoàn sản xuất xuất khẩu về Việt Nam gặp nhiều khó khăn và mất rất nhiều thời gian, nay nhờ hiệp định này, những trở ngại đó đã không còn nữa…

Theo ông Kaseumsack Keosayavong, Chủ tịch Tập đoàn Chaleunsap, tỉnh Bolikhamsay, Trung Lào, hai Hiệp định nói trên sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp hai nước, đặc biệt là Hiệp định Thương mại biên giới, sẽ giúp việc buôn bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới hết sức thuận tiện, đem lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp.

Là một tập đoàn đa ngành có kinh doanh cả mảng chăn nuôi và nông nghiệp, ông Kaseumsack nhận định việc bãi bỏ thuế xuất nhập khẩu nhiều loại hàng hóa vào Việt Nam sẽ giúp cho hàng hóa của Tập đoàn vào Việt Nam với giá rẻ hơn, từ đó sẽ giúp Tập đoàn bán được nhiều hàng hơn, góp phần tăng cường trao đổi thương mại giữa hai nước.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công Thương Lào sẽ tiếp tục phối hợp để tổ chức các hội nghị nhằm phổ biến rộng rãi nội dung hai Hiệp định trên tới các doanh nghiệp của hai nước tại Lào./.
 
TTXVN/VNP


Top