Tiêu điểm

Dấu ấn Việt Nam trong 40 năm gia nhập Liên hợp quốc

40 năm trước, vào ngày 20/9/1977, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Liên hợp quốc đánh dấu sự ghi nhận của tổ chức toàn cầu lớn nhất hành tinh và cộng đồng quốc tế đối với một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do và dân chủ.
Trong suốt chặng đường vừa qua, Việt Nam và Liên hợp quốc đã luôn nỗ lực vun đắp, xây dựng mối quan hệ hợp tác ngày càng tốt đẹp với những kết quả tích cực và nhiều tiềm năng phát triển.

Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ lớn lao từ các tổ chức của Liên hợp quốc và cũng đồng thời thể hiện sâu sắc vai trò của một nước thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Trong giai đoạn sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Việt Nam vừa phải giải quyết những hậu quả nặng nề của chiến tranh, vừa phải tổ chức lại nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, từng bước khôi phục sản xuất.

Gia nhập Liên hợp quốc là một sự kiện trọng đại, giúp Việt Nam thiết lập vị thế trên trường quốc tế, góp phần bảo vệ sự nghiệp hòa bình, phát triển và tiến bộ xã hội chung toàn cầu, cũng như tranh thủ sự ủng hộ lớn về tinh thần và vật chất của các tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc cho công cuộc tái thiết đất nước vừa bị chiến tranh tàn phá cũng như trong thời kỳ bị bao vây, cấm vận.



Lễ kéo cờ Việt Nam tại trụ sở Liên hợp quốc ngày 20/9/1977, đánh dấu sự kiện Việt Nam
chính thức là thành viên của Liên hợp quốc. Ảnh: Tư liệu TTXVN


Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 32 Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York (Mỹ) ngày 20/9/1977
thông qua Nghị quyết công nhận Việt Nam là thành viên của Liên hợp quốc. Ảnh: Tư liệu TTXVN


Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh phát biểu tại Kỳ họp thứ 32 Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York (Mỹ)
ngày 20/9/1977. Kỳ họp đã thông qua Nghị quyết công nhận Việt Nam là thành viên của Liên hợp quốc. Ảnh: Tư liệu TTXVN


Đoàn đại biểu Việt Nam, do Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh dẫn đầu, dự Kỳ họp thứ 32 Đại hội đồng Liên hợp quốc
tại New York (Mỹ) ngày 20/9/1977. Kỳ họp đã thông qua Nghị quyết
công nhận Việt Nam là thành viên của Liên hợp quốc. Ảnh: Tư liệu TTXVN


Tổng Thư ký Liên hợp quốc K.Vanhem tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh, ngày 20/9/1977,
tại Kỳ họp thứ 32 Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York (Mỹ). Kỳ họp đã thông qua Nghị quyết
công nhận Việt Nam là thành viên của Liên hợp quốc. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Viện trợ của Liên hợp quốc đã chiếm tới 60% tổng viện trợ cho Việt Nam thời kỳ cuối thập niên 1970, đầu 1980. Khi đó, nguồn quỹ hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc; Chương trình Lương thực thế giới; Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc; Quỹ Dân số Liên hợp quốc; Tổ chức Y tế thế giới (WHO)... đã hỗ trợ đáng kể cho Chính phủ Việt Nam trong các hạng mục phát triển-xã hội, tập trung trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, chăm sóc, bảo vệ bà mẹ và trẻ em, dân số, kế hoạch hóa gia đình...

Trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Liên hợp quốc tiếp tục tích cực hỗ trợ Việt Nam với nguồn vốn hàng trăm triệu USD mỗi năm.

Đây là một trong những nguồn lực quan trọng giúp Việt Nam thực hiện hành công các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hoàn thành các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.

Suốt thập kỷ 1980 đến giữa thập kỷ 1990, các hoạt động của Việt Nam tại Liên hợp quốc đa phần ưu tiên tập trung cho đấu tranh phá thế bao vây cấm vận.

Từ giữa thời kỳ này, Việt Nam bắt đầu triển khai mạnh mẽ chính sách ngoại giao đa phương hóa, đa dạng hóa, độc lập tự chủ, chủ động từng bước hội nhập với khu vực và thế giới.

Giai đoạn 1997-2000, Liên hợp quốc dành ưu tiên hỗ trợ cho lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, thực hiện các chính sách xã hội; cải cách và quản lý phát triển; quản lý môi trường và tài nguyên thiên nhiên; quản lý nhà nước và huy động nguồn lực.

Giai đoạn 2001-2005, Liên hợp quốc chuyển mạnh hướng hỗ trợ kỹ thuật sang hỗ trợ các biện pháp cải cách về chính sách và thể chế kinh tế, doanh nghiệp nhà nước, hành chính công, luật pháp, lập kế hoạch đầu tư công, phát triển hệ thống ngân hàng, đồng thời mở rộng sang các lĩnh vực khác như phòng chống HIV/AIDS và các bệnh hiểm nghèo; hỗ trợ thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện quyền bình đẳng nam-nữ...

Từ năm 2007 đến 2011, đẩy mạnh thực hiện chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, Việt Nam đã tranh thủ diễn đàn Liên hợp quốc để tăng cường quan hệ với các tổ chức trong hệ thống Liên hợp quốc, mở rộng quan hệ song phương và đa phương với các nước và tổ chức quốc tế.

Việt Nam cũng đã chủ động và tích cực phối hợp với các nước Không liên kết và đang phát triển để đấu tranh và bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc đồng thời bảo vệ lợi ích của các nước đang phát triển.

Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Công ước Cấm vũ khí hóa học năm 1998; là một trong những nước đầu tiên ký Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện năm 1996; thành viên của Hội nghị Giải trừ quân bị năm 1996…

Tháng 6/2014, Việt Nam đã lần đầu tiên cử lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Trong khuôn khổ Sáng kiến Thống nhất hành động - Một Liên hợp quốc , Chính phủ Việt Nam và Liên hợp quốc tích cực phối hợp triển khai Kế hoạch chung của Liên hợp quốc giai đoạn 2012 -2016.

Việt Nam là một trong 8 nước thí điểm triển khai Sáng kiến Thống nhất hành động trên thế giới và sáng kiến này đã đóng góp vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường gắn kết hệ thống của các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam.

Với những nỗ lực và đóng góp có hiệu quả đối với các hoạt động và quá trình phát triển của Liên hợp quốc, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế tín nhiệm, đánh giá cao, thể hiện rõ nhất qua việc chúng ta được bầu với số phiếu cao vào nhiều cơ quan của Liên hợp quốc, đặc biệt là Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2008-2009), Hội đồng Kinh tế-xã hội (hai nhiệm kỳ 1998-2000 và 2016-2018), Hội đồng Nhân quyền (nhiệm kỳ 2014-2016), Hội đồng Chấp hành UNESCO (nhiệm kỳ 2015-2019), Ủy ban Luật pháp quốc tế (nhiệm kỳ 2017-2021).

Trên cơ sở quan hệ tốt đẹp 40 năm qua, Việt Nam chủ trương tăng cường quan hệ hợp tác với Liên hợp quốc đi vào chiều sâu, có hiệu quả thiết thực, đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, phát triển bền vững ở khu vực và trên thế giới.


Phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về dịch Ebola, ngày 18/9/2014. Ảnh: Tư liệu TTXVN



Ngày 30/5/2017, tại Trụ sở Liên hợp quốc ở thành phố New York, Hoa Kỳ,
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ kỷ niệm 40 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc.
Trong ảnh: Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (bên trái) chào mừng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ kỷ niệm.
Ảnh: Thống Nhất/TTXVN



Tối 14/9/2017 (theo giờ địa phương), tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sĩ), Phó Thủ tướng Chính phủ
Vương Đình Huệ tham dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc (20/9/1977 - 20/9/2017)
và 72 năm Quốc khánh Việt Nam 2/9 trước sự chứng kiến của hơn 500 Đại sứ, Trưởng Phái đoàn đại diện các nước,
đại diện các cơ quan Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở Geneva.
Trong ảnh: Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: Hoàng Hoa/TTXVN



Đoàn Bộ Quốc phòng Việt Nam, do Thứ trưởng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh dẫn đầu,
dự Hội nghị cấp Bộ trưởng Quốc phòng các nước tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc
tại London (Anh) ngày 8/9/2016. Ảnh: Tư liệu TTXVN


Ngày 2/4/2015, tại Hà Nội, Trung tâm Gìn giữ hoà bình Việt Nam tổ chức chia tay 3 cán bộ thuộc Trung tâm Gìn giữ
Hòa bình Việt Nam lên đường làm nhiệm vụ tại Phái bộ Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc ở Cộng hòa Trung Phi,
gồm: Trung tá Nguyễn Xuân Thành, Thiếu tá Vũ Văn Hiệp và Đại úy Hoàng Trung Kiên. Ảnh: Hồng Pha/TTXVN.



Từ ngày 6-23/9/2017, Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam phối hợp cùng Bệnh viện Quân y 175
và các cơ quan liên quan của Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức chương trình huấn luyện thực hành trên bộ
trang bị Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1, mô hình bệnh viện dã chiến đầu tiên của Việt Nam dự kiến sẽ triển khai
tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Phái bộ Nam Sudan vào năm 2018. Ảnh: TTXVN


Chương trình hợp tác từ năm 2017 đến 2021 giữa Việt Nam và Liên hợp quốc trong khuôn khổ Sáng kiến Một Liên hợp quốc, vừa được hai bên ký tháng Bảy vừa qua, tập trung vào 4 lĩnh vực ưu tiên: đầu tư vào con người; bảo đảm thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển môi trường bền vững; thúc đẩy sự thịnh vượng và quan hệ đối tác; tăng cường công lý, hòa bình và quản trị toàn diện. Đây là nền tảng quan trọng để triển khai các hoạt động hợp tác cụ thể giữa Việt Nam và Liên hợp quốc trong những năm tới.

Là thành viên có trách nhiệm và tích cực trong các hoạt động của Liên hợp quốc, Việt Nam chủ trương sát cánh cùng các nước thành viên đề cao các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, thúc đẩy các mối quan hệ quốc tế công bằng, bình đẳng, hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc, bảo đảm lợi ích chính đáng của tất cả các nước, nhất là các nước đang phát triển.

Tăng cường tham gia ở cấp độ cao hơn vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, nỗ lực thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030, các Mục tiêu phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; ủng hộ các nỗ lực cải tổ Liên hợp quốc theo hướng nâng cao hiệu quả, minh bạch và dân chủ hóa trong mọi hoạt động; Tập trung hoàn thành tốt vai trò thành viên trong các cơ chế của Liên hợp quốc và đi đầu với nhiều sáng kiến cụ thể trong các lĩnh vực ưu tiên.

Luôn coi quan hệ hợp tác với Liên hợp quốc là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại, Việt Nam sẵn sàng phối hợp tích cực cùng các quốc gia thành viên Liên hợp quốc và các đối tác của Liên hợp quốc, phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới./.




Hiện Việt Nam đang tích cực vận động ứng cử vào Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021, với mong muốn có những đóng góp tích cực và thực chất hơn nữa vào những nỗ lực của Liên hợp quốc trong việc giữ gìn hòa bình, an ninh quốc tế, đồng thời qua đó nâng cao hơn nữa vị thế, uy tín của Việt Nam.

Bài: Thông tấn xã Việt Nam - Ảnh: TTXVN

Quan hệ Việt Nam - Australia nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện

Quan hệ Việt Nam - Australia nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện

Sau hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Australia đã xây dựng mối quan hệ vững chắc và toàn diện trên cơ sở tin cậy chiến lược và hiểu biết lẫn nhau. Nhân chuyến thăm chính thức Australia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong tháng 3 vừa qua theo lời mời của Thủ tướng Australia Anthony Albanese, hai bên đã công bố nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Top