Nghệ thuật

Đằm thắm sắc hoa Thanh Tiên

Ở Cố đô Huế có làng Thanh Tiên nổi tiếng với nghề làm hoa giấy truyền thống đã hơn 300 năm. Cũng như tính cách của người Huế, hoa giấy Thanh Tiên không phô phang, lộng lẫy mà đằm thắm, kín đáo, dịu dàng nhưng không kém phần tinh tế, sang trọng và quý phái.
Làng Thanh Tiên xưa thuộc tổng Mậu Tài, huyện Phú Vang, phủ Triệu Phong, nay thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Làng nằm bên bờ Nam hạ lưu con sông Hương hiền hòa thơ mộng.

Theo gia phả họ Trần làng Thanh Tiên, sách Đại Nam nhất thống chí, bộ sách dư địa chí Việt Nam do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn vào thời vua Tự Đức (TK XIX), phần danh mục thống kê các ngành nghề thủ công của Việt Nam từ thế kỷ XVI - XIX có nhắc đến nghề làm hoa giấy ở Thanh Tiên.

Thuở xưa, hoa giấy Thanh Tiên thường được trang trí ở những nơi thờ tự. Sở dĩ có việc này là do người Huế rất coi trọng việc lễ nghi, thờ cúng nhưng ngặt nỗi đất Huế khí hậu khắc nghiệt, nắng lắm mưa nhiều nên không trồng được hoa, mà hoa lại là một trong bốn thứ tối cần cho việc thờ cúng là “hương, hoa, đèn, chuối”, thành ra người ta phải dùng hoa giấy thay cho hoa tươi, lâu ngày thành phong tục. Và cũng theo quan niệm của người Huế, hoa giấy là loại hoa thanh khiết, không ảnh hưởng của sự uế tạp do việc dùng phân bón như hoa tươi, nên rất phù hợp với việc thờ cúng linh thiêng.
 

Hoa sen giấy Thanh Tiên đằm thắm kín đáo khoe sắc trong không gian nhà cổ.


Sắc màu đằm thắm của hoa giấy tôn thêm vẻ đẹp cổ kính của ngôi nhà rường xứ Huế.


Những chiếc lồng đèn nhỏ xinh làm bằng hoa sen giấy.
 

Với người Huế, hoa sen giấy thường được dùng để trang trí ở những nơi thờ tự trang nghiêm.


Những đóa sen hồng biểu tượng cho lòng bao dung, từ bi và rộng mở của đạo Phật.


Và nó cũng thể hiện vẻ thanh nhã và quý phái của gia chủ.


Một chút lãng mạn với đóa sen trắng dịu dàng, thầm kín.


Màu sắc thanh nhã, dịu dàng của hoa sen giấy.


Sự kết hợp nhẹ nhàng mang phong cách cổ điển giữa hoa và họa.
 
Hoa giấy Thanh Tiên đơn giản nhưng có hồn. Hoa mang vẻ đẹp thanh nhã, tinh tế và quý phái. Màu hoa phong phú nhưng không phô phang, lòe loẹt. Nó đằm thắm, kín đáo tựa như tính cách của người Huế vậy, nhất là loại hoa sen giấy. Những đóa hoa sen giấy phơn phớt hồng hoặc phớt xanh lơ rất sống động, trông xa cứ tưởng như hoa thật.

Trải qua thời gian, nghề làm hoa giấy ở Thanh Tiên có lúc thịnh lúc suy. Thậm chí có lúc tưởng chừng như lụi tàn vì sự khó khăn của thời cuộc. May mắn sao, độ chục năm trở lại đây, nghề xưa lại phục hồi và phát triển, nhất là khi Huế có Festival, một sự kiện văn hóa quốc gia mang tầm quốc tế luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của du khách trong và ngoài nước.

Làng Thanh Tiên hôm nay có những nghệ nhân giỏi. Điển hình như các ông Thân Văn Huy, Thân Đình Hoài, Nguyễn Hóa,… những người có biệt tài làm hoa sen giấy nổi tiếng ở xứ thần kinh. Hoa sen giấy do các ông làm ra đã có mặt ở khắp trong Nam ngoài Bắc và được dùng để trang trí, sắp đặt nghệ thuật tại nhiều sự kiện văn hóa lớn, đặc biệt là tại các kỳ Festival Huế.

Dịp Festival Huế 2014 này, làng Thanh Tiên lại khai hội “Sắc màu Thanh Tiên”. Trong khung cảnh thanh bình của một làng quê thuần nông xứ Huế, giữa màu xanh của cỏ cây, đồng ruộng, màu rêu phong cổ kính của đình, chùa, nhà rường... những không gian trưng bày hoa giấy Thanh Tiên hiện lên đẹp đến lạ kỳ. Nó như một món quà của người dân thôn quê quanh năm chân lấm tay bùn, nâng niu gửi gắm dành tặng du khách bốn phương về thăm Huế yêu thương.

Sự sống lại của làng nghề làm hoa giấy Thanh Tiên hôm nay, ngoài sự tài hoa của những nghệ nhân và người dân Thanh Tiên, thiết nghĩ còn có cả tấm lòng của những người con đất Huế như ông Nguyễn Chí Phước. Ông xa Thanh Tiên vào Tp. Hồ Chí Minh sinh sống đã hơn 50 năm nhưng với tấm lòng của người con xa xứ, ông đã kêu gọi được nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước giúp đầu tư một dự án nho nhỏ nhưng ý nghĩa để bảo tồn và phát triển nghề làm hoa giấy ở Thanh Tiên. Và chính cái trung tâm trưng bày và giới thiệu hoa giấy nghệ thuật đặt ngay trong khuôn viên đình làng Thanh Tiên hôm nay cũng chính nhờ ông vận động ROSE, một tổ chức từ thiện ở Canada hỗ trợ xây dựng mà thành.

Dẫu biết nghề làm hoa giấy là nghề tay trái của người dân trong những lúc nông nhàn, và cũng là cái nghề luôn gặp nhiều khó khăn trong thời buổi kinh tế thị trường, nhưng với tấm lòng và sự tâm huyết với nghề, hi vọng người Thanh Tiên sẽ giữ được cho Huế một cái nghề rất đẹp, rất thơ và cũng rất riêng mà chẳng phải nơi nào cũng có được./.
 
Bài: Hoa Thành - Ảnh: Trần Thanh Giang

Điện Biên vẫy gọi – tôn vinh chủ nghĩa anh hùng cách mạng

“Điện Biên vẫy gọi” – tôn vinh chủ nghĩa anh hùng cách mạng

Chiều 27-3, tại Nhà hát Quân đội (Mai Dịch, Hà Nội), Nhà hát Kịch nói Quân đội đã biểu diễn báo cáo công trình nghệ thuật kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - vở diễn “Điện Biên vẫy gọi”.

Top