Chân dung

Cựu chiến binh Mai Thị Tuyết và 14.000 lá thư nghĩa tình

Hàng chục năm qua, nữ cựu chiến binh 70 tuổi Mai Thị Tuyết (Quận Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh) là người đã lặn lội khắp các nghĩa trang, chiến trường xưa để tìm kiếm thông tin về các liệt sĩ miền Bắc. Khi có được các thông tin đầy đủ, bà viết những lá thư thông báo đến gia đình và thân nhân của các liệt sĩ.
Nói về công việc “đặc biệt” này, bà Mai Thị Tuyết kể lại rằng, trong một lần về lại quê hương Hải Hậu (Nam Định) thăm lại đồng hương và cũng là các đồng đội từng sát cánh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ thì mới biết được những người còn sống rất ít mà những đồng đội đã hy sinh lại quá nhiều. Có những liệt sĩ mà thông tin về nơi mất không được xác định rõ ràng. Trong tâm bà mong muốn làm một điều gì đó giúp cho những đồng đội đã nằm xuống, cũng như thân nhân của họ được yên tâm mà thực hiện bổn phận của người còn sống đối với người đã khuất được chu toàn. Trở lại Tp. Hồ Chí Minh, bà khăn gói lên đường tìm thông tin về các đồng đội đã hy sinh rồi viết thư thông báo thông tin về cho thân nhân ngoài quê được biết.

Trong 9 năm, bà Tuyết đã đến hầu hết các chiến trường và nghĩa trang ở miền Nam như: Bình Dương, Đồng Xoài, Lộc Ninh, Bến Cầu, Tân Uyên, Long An, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh,… để thu thập thông tin về liệt sĩ. Một mặt bà ghi chép thông tin về các liệt sĩ ở các nghĩa trang, một mặt bà đi xin các danh sách, thông tin về các liệt sĩ hy sinh từ các sư đoàn. Sau rất nhiều khó khăn, vất vả, bà đã tập hợp, thống kê và ghi chép các thông tin thành tập danh sách cẩn thận. Khi có được các thông tin đầy đủ, bà bắt đầu viết thư gửi ra miền Bắc để thông báo đến từng gia đình để họ nắm được các thông tin cụ thể đầy đủ. Sau hơn 3 năm 8 tháng viết thư và gửi đi, bà đã viết được khoảng 14.000 lá thư và gửi ra cho thân nhân của nhiều liệt sĩ ở các tỉnh phía Bắc.


Cựu chiến binh Mai Thị Tuyết (Quận Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh) và một trong 14.000 lá thư nghĩa tình. Ảnh: Nguyễn Luân


Bà Mai Thị Tuyết mong muốn những bức thư của mình sẽ giúp thân nhân các liệt sĩ có thông tin về người thân
của mình và giúp họ thuận tiện trong việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Ảnh: Nguyễn Luân



Nội dung trong thư được bà soạn một cách cẩn thận, rõ ràng, dễ hiểu gửi đến gia đình thân nhân các liệt sĩ. Ảnh: Nguyễn Luân


Danh sách liệt sĩ mà bà Mai Thị Tuyết sưu tầm, thống kê được trong quá trình đi tìm thông tin liệt sĩ. Ảnh: Nguyễn Luân


Những bức thư bà Tuyết đã viết xong, chờ bưu điện chuyển đi. Ảnh: Nguyễn Luân


Những giọt nước mắt xúc động của Bà Tuyết khi chia sẻ công việc hỗ trợ
tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Ảnh: Nguyễn Luân



Bà Mai Thị Tuyết với những công việc thường ngày. Ảnh: Nguyễn Luân

Rồi, những bức thư của bà đã có những phản hồi tích cực. Có những gia đình nhờ có thư của bà mà tìm được hài cốt người thân, đưa về quê an nghỉ. Có ngày, bà nhận được nhiều lá thư, cuộc điện thoại của người nhận được thư của bà để cảm ơn bà đã giúp họ. Có người từ ngoài Bắc vào tận nhà bà ở Tp. Hồ Chí Minh chỉ để trực tiếp nói tiếng cảm ơn đến bà. Đặc biệt, một thân nhân liệt sĩ ở Quảng Ninh đã gọi điện thoại cho bà, khóc nức nở: “Bà ơi, lá thư của bà gửi cho con còn quý hơn vàng, bởi vì 45 năm qua gia đình con không hề biết được tin tức của bố con hi sinh ở đâu. Nay nhờ lá thứ của bà mà chúng con còn biết được. Con mừng lắm, cảm ơn bà thật nhiều.” Đó chính là niềm an ủi vô bờ bến để bà Tuyết tiếp tục công việc cho đến nay.

Để có tiền thực hiện công việc này, bà Tuyết tự lấy lương hưu của mình cũng như tiền bán chè, bán hột vịt hằng ngày để mua thư, tem, giấy bút. Và cứ thế, nữ cựu chiến binh đã 70 tuổi đã âm thầm suốt gần 13 năm qua thực hiện công việc của mình một cách thầm lặng, tự nguyện.

Ông Nguyễn Hữu Khánh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Trường Thọ, quận Thủ Đức và cũng là người hàng xóm thân thiết với bà Tuyết, nhận xét: “Tôi cho rằng công việc này của chị Tuyết rất có tình có nghĩa với đồng đội, với quê hương, khi đã giúp đỡ được cho rất nhiều người tìm thấy hài cốt thân nhân của mình.”./.



Thời trẻ, bà Mai Thị Tuyết từng là xã đội trưởng và được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng huy hiệu của Người. Ảnh: Tư liệu


Huy hiệu do Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng được bà Tuyết gìn giữ cẩn thận cho đến nay. Ảnh: Tư liệu


Bản sao Huân chương chiến công hạng ba của cựu chiến binh Mai Thị Tuyết. Ảnh: Tư liệu


Chiến sỹ Mai Thị Tuyết (người cầm máy ảnh) tại Đại hội Quyết thắng Quân khu 3, năm 1967. Ảnh: Tư liệu


Bà Mai Thị Tuyết (áo dài ở giữa) trong một lần về quê Nam Định thăm lại đồng đội cũ của mình. Ảnh: Tư liệu

Bài: Sơn Nghĩa - Ảnh: Nguyễn Luân và Tư liệu

Lương y Cao Văn Minh - Bàn tay vàng trong trị liệu xương khớp

Lương y Cao Văn Minh - Bàn tay vàng trong trị liệu xương khớp

Với bàn tay tài hoa và cái tâm của người thầy thuốc, Lương y Cao Văn Minh - người được kế thừa các bài thuốc quý gia truyền của dòng tộc Cao và được đào tạo bài bản tại trường Trung cấp Y dược Tuệ Tĩnh Hà Nội, đã và đang điều trị các bệnh lý về xương khớp, đĩa đệm, thoái hóa đốt sống cổ và bại liệt cho hàng chục ngàn bệnh nhân ở Việt Nam và nước ngoài.

Top