Tiêu điểm

Chủ tịch nước gửi thông điệp mạnh mẽ tới Cộng đồng Pháp ngữ

Tại Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 16 diễn ra ở Madagascar (từ 26-27/11), Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã kêu gọi Cộng đồng Pháp ngữ tăng cường đóng góp xây dựng một trật tự thế giới công bằng, bình đẳng hơn; thúc đẩy giải quyết các xung đột, tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình; hỗ trợ các nước thành viên thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 16 diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong không gian Pháp ngữ có nhiều diễn biến phức tạp. Tăng trưởng kinh tế suy giảm, các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống ngày càng tăng.

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nêu bật thông điệp cần “thúc đẩy hợp tác, tăng cường đoàn kết vì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững”; kêu gọi Cộng đồng Pháp ngữ tăng cường đóng góp xây dựng một trật tự thế giới công bằng, bình đẳng hơn; tham gia xây dựng các quan hệ đối tác toàn cầu; thúc đẩy giải quyết các xung đột, tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình; hỗ trợ các nước thành viên thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Chủ tịch nước cũng chia sẻ mô hình thành công của Việt Nam trong sự nghiệp Đổi mới toàn diện, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh nhiều nước thành viên Pháp ngữ đang gặp khó khăn, bất ổn và chậm phát triển.

Đoàn Việt Nam đã đóng góp tích cực và thực chất trên tất cả các vấn đề lớn của Pháp ngữ; đã gắn được những lợi ích sát sườn, thiết thân của Việt Nam với quan tâm chung của Cộng đồng, đặc biệt là thúc đẩy thực hiện Chiến lược kinh tế Pháp ngữ, hỗ trợ các nước đang phát triển hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh năng lượng...

Hội nghị cũng đã nêu vấn đề Biển Đông trong Văn kiện, bày tỏ quan ngại và nhấn mạnh sự cần thiết phải kiềm chế, tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Có thể nói, tại Hội nghị lần này, Việt Nam đã thể hiện rõ vai trò thành viên tích cực và có trách nhiệm của mình. Vì vậy, qua tiếp xúc, trao đổi, các nước đều hoan nghênh việc Chủ tịch nước ta đã tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Lễ khai mạc, cũng như đánh giá cao những đóng góp tích cực, thực chất của đoàn Việt Nam vào thành công chung của Hội nghị.


Tổng thống Madagascar Hery Rajaonarimampianina và Tổng Thư ký
Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ Michaelle Jean (ngoài cùng bên phải) đón Chủ tịch nước Trần Đại Quang
và Phu nhân đến dự Hội nghị. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN


Chủ tịch nước chụp ảnh chung với Trưởng đoàn các nước tham dự Hội nghị. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN


Chủ tịch nước phát biểu tại Lễ khai mạc. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN


Quang cảnh Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 16. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN

Bên lề Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có một loạt các hoạt động song phương với nước chủ nhà Madagascar và gặp gỡ Trưởng đoàn các nước tham dự Hội nghị. Đặc biệt, Tổng thống nước chủ nhà Madagascar Hery Rajaonarimampianina đã đón tiếp đoàn ta với mức độ nghi lễ của một chuyến thăm cấp Nhà nước. Nhân dịp này, hai bên đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác thương mại gạo; tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Madagascar; bày tỏ mong muốn phát triển quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực như nông nghiệp, thương mại và đầu tư; và cam kết tạo điều kiện để Tập đoàn viễn thông Viettel của Việt Nam đầu tư vào Madagascar...
 

Nước chủ nhà Madagascar đã dành cho đoàn Việt Nam nghi lễ đón tiếp trọng thị
với mức độ nghi lễ của một chuyến thăm cấp Nhà nước. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN


Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Madagascar Hery Rajaonarimampianina
đã có cuộc hội đàm và chứng kiến Lễ ký các văn kiện hợp tác giữa hai nước. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN


Chủ tịch nước thăm cộng đồng người Madgascar gốc Việt ở Thủ đô Antananarivo.
Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN

 
TTXVN/Báo ảnh Việt Nam

Tôn vinh giá trị của lễ hội Việt

Tôn vinh giá trị của lễ hội Việt

Trong không khí rộn ràng, háo hức của những ngày đầu xuân mới, các lễ hội truyền thống được tổ chức trên suốt chiều dài dải đất hình chữ S, từ khắp các nẻo đường, người người, nhà nhà lại nô nức đi trẩy hội để tưởng nhớ đến công ơn của những người đã có công với quê hương, đất nước và cầu mong cho một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt. Đó chính là nét đẹp văn hóa ngàn năm của lễ hội Việt cần được tôn vinh.

Top