Tin tức

Các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả cơn bão số 1


Cây xanh đổ do ảnh hưởng của bão số 1. (Nguồn: TTXVN)
Do ảnh hưởng của cơn bão số 1, từ đêm 27 đến ngày 28/7, trên địa bàn huyện Mường Khương và Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai) đã xảy ra mưa to kèm theo lốc xoáy khiến 160 ngôi nhà bị tốc mái và sập đổ một số gian nhà cấp 4.

Huyện Mường Khương thiệt hại nặng nề nhất với 151 ngôi nhà tốc mái, tốc mái hoàn toàn gần 70 hộ, tốc mái từ 30-70% là 79 hộ, vỡ, hư hỏng trên 800 tấm lợp proximăng và trên 300m2 tôn.

Ngoài ra, gió lốc đã làm cây đổ đè sập 3 gian nhà cấp 4 tại trường tiểu học số 1 thị trấn Mường Khương, sập đổ một cổng trường mầm non thị trấn Mường Khương.

Ngay khi thiên tai xảy ra, Ủy ban Nhân dân các huyện Mường Khương và Bảo Thắng đã chỉ đạo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, Ủy ban Nhân dân các xã, thị trấn huy động lực lượng giúp đỡ các hộ bị thiệt hại di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn và tổ chức khắc phục thiệt hại.

Trong khi đó, theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Giang, cơn bão số 1 đã ảnh hưởng, gây ra một số thiệt hại về vật chất và sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Mưa lớn đã làm hư hại một số hạng mục công trình thuộc dự án sân golf và dịch vụ Yên Dũng (huyện Yên Dũng) như kênh, cống thu nước, tường bao, đất đá tràn xuống ruộng canh tác của nhân dân.

Tại Km15+700 đê tả Cầu (thuộc địa bàn huyện Hiệp Hòa) đã xảy ra sạt trượt mái đê phía sông với chiều dài cung trượt khoảng 15 m, ăn sâu vào đê 7,5 m.

Mương Tiền Phong, xã Tuấn Đạo, huyện Sơn Động bị sạt lở khoảng 200m3 đất đá, làm gãy, vỡ 20 m đường ống mương nhựa D400.

Trường mầm non xã Ngọc Lý (huyện Tân Yên) bị đổ 15m tường rào. Ngoài ra, mưa lớn do cơn bão số 1 đã làm ngập hơn 1.414 ha lúa, hoa màu, thủy sản ở các huyện Tân Yên, Việt Yên, Yên Dũng và thành phố Bắc Giang.

Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Giang đã thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng chống thiên tai tại Công ty thủy nông Lục Ngạn, lưu vực tiêu của Công ty thủy nông Nam Yên Dũng, Hạt quản lý đê Việt Yên, Hạt quản lý đê Hiệp Hòa.

Công ty Điện lực Bắc Giang đã yêu cầu các phòng, điện lực các huyện, thành phố trực 24/24 giờ; rà soát, kiểm tra các vị trí có hệ thống, thiết bị điện có khả năng ngập úng, xói lở hoặc khoảng cách dây dẫn đến mặt nước không bảo đảm an toàn để có phương án xử lý, chủ động cắt điện nếu không an toàn.

Sở Giao thông-Vận tỉnh Bắc Giang đã chuẩn bị 150 rọ thép, 100m3 đá dăm, 100 m3 đá hộc, 2.000 bao tải, 2 nghìn cọc tiêu, cọc gỗ, gần 100 phương tiện, máy móc cùng hàng nghìn mét dây cáp, áo phao các loại... để chủ động phòng chống mưa bão.

Hiện cơn bão số 1 đã không còn ảnh hưởng đến tỉnh, tuy nhiên Ban chỉ huy phòng chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Giang vẫn tiếp tục yêu cầu các huyện, thành phố, các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ, công trình phòng chống thiên tai; tổ chức bơm tiêu nước đêm và chống ngập úng cho lúa và hoa màu.

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 1 kết hợp với rìa phía Nam vùng xoáy thấp phía Tây Bắc Bộ, trong hai ngày 27-28/7, các khu vực trong tỉnh Yên Bái xuất hiện mưa vừa, có nơi mưa to, phổ biến từ 10-50mm, gió cấp 5-6.

Tính đến 17 giờ ngày 28/7, mưa lũ xảy ra trên địa bàn Yên Bái đã làm Giàng A Dua (14 tuổi), thôn Chống Tàu, xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu bị lũ cuốn trôi và 17 ngôi nhà bị tốc mái tại các huyện Yên Bình, Văn Chấn, Trấn Yên, Yên Bình và huyện Văn Yên.

Cùng với đó, 360m2 diện tích lúa lai bị vùi lấp hoàn toàn tại xã Cảm Nhân, huyện Yên Bình. Ước tính thiệt hại khoảng 40 triệu đồng.

Ngay sau khi nhận được tin báo của địa phương bị thiệt hại, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn các huyện đã trực tiếp xuống thăm hỏi, động viên và huy động các lực lượng tại chỗ khẩn trương tìm kiếm, khắc phục thiệt hại để đảm bảo, ổn định đời sống cho nhân dân. Riêng huyện Trạm Tấu đã huy động 60 người tích cực tìm kiếm nạn nhân bị lũ cuốn trôi.

Liên tiếp suốt một ngày qua, tỉnh Vĩnh Phúc có mưa lớn trên diện rộng đã làm cho mực nước các ao, hồ, đầm, kênh, mương... một số địa phương dâng nhanh. Một số công trình thủy lợi, đập tràn trên địa bàn tỉnh đang có những tiềm ẩn nguy hiểm, nhất là khi mưa lớn tiếp tục diễn ra trong thời gian tới.

Đến chiều 28/7, mưa lớn diễn ra ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc và mối lo ngại nhất là các hồ đầm dưới chân núi thuộc dãy núi Tam Đảo. Các hồ đầm này dễ bị ảnh hưởng nhất bởi nước từ trên đồi núi trên cao dồn về là rất lớn; trong khi đó các hồ chứa, công trình thủy lợi nói chung có bờ đập yếu.

Qua kiểm tra thực tế, đến thời điểm trưa ngày 28/7, các hồ, đầm, công trình phục vụ thủy lợi lớn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc mực nước vẫn ở ngưỡng an toàn.

Khu vực đập Xạ Hương, xã Minh Quang và hồ Vĩnh Thành, xã Đạo Trù (huyện Tam Đảo); hồ Thanh Lanh huyện (Bình Xuyên) mặc dù mưa liên tiếp song mực nước vẫn ở mức so với bờ đập chưa cao, bởi mực nước trước khi mưa ở các công trình kể trên đều thấp.

Vĩnh Phúc cũng yêu cầu các ngành, địa phương trong tỉnh túc trực tại tất cả các điểm có đập tràn, các tuyến đường dưới dãy núi Tam Đảo, làm tốt công tác hướng dẫn và thông tin kịp thời cho người dân tránh lũ ở các khu vực nguy hiểm, không để người dân, các phương tiện đi qua đập tràn, đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính mạng và tài sản.../.
 
TTXVN/VNP


Top