Nghệ thuật

Ba câu chuyện trong "Một nhà"

Vở diễn “Một nhà” công chiếu tại Rạp hát Đại Nam, Hà Nội kể về ba nhóm người tiêm chích ma túy, gái mại dâm và đồng tính nam có nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS, bị xã hội xa lánh. Thế nhưng họ đã tìm được hy vọng và niềm vui, hạnh phúc khi tham gia Câu lạc bộ Ngày mai. Đây là nơi đã cho họ niềm tin và nghị lực vươn lên trong cuộc sống bằng sự đồng cảm với nhau, cũng như tình yêu thương từ phía những người thân trong gia đình.
Câu chuyện đầu tiên kể về hành trình cai nghiện của Cường do sa vào con đường tiêm chích ma túy và nhiễm HIV. Mặc dù xung quanh có nhiều cám dỗ của bạn nghiện, sự kỳ thị và xa lánh của hàng xóm nhưng anh đã vượt lên tất cả nhờ có tình yêu thương của người vợ và đặc biệt là của cô con gái nhỏ.


Hai vợ chồng Cường có một cô con gái nhỏ xinh xắn, đáng yêu
và cuộc sống gia đình được xoay sở với quán bia nhỏ trong khu tập thể chung cư.


Hàng xóm nơi Cường sống luôn tỏ thái độ xa lánh và kỳ thị.


Nhưng trước tình yêu thương của vợ và đặc biệt là của cô con gái nhỏ,
Cường đã quyết tâm từ bỏ ma túy cho dù hành trình đó của anh không hề dễ dàng.


 Cường đã quyết tâm từ bỏ ma túy trước sự lôi kéo của bạn bè.

Câu chuyện thứ hai kể về Xuân là một cô gái mại dâm, bị nhiễm HIV nhưng đã từ bỏ công việc khi có tình yêu và sự đồng cảm của Hiếu cũng là người bị nhiễm HIV. Họ cùng tham gia vào Câu lạc bộ Ngày mai và tìm thấy niềm vui từ những người có chung cảnh ngộ. Cuộc sống gia đình của họ đã trở nên hạnh phúc hơn khi có đứa con khỏe mạnh không nhiễm HIV.



Xuân không muốn phá hoại hạnh phúc gia đình của Hiếu
nên cô quyết định chia tay và trả lại những vật chất mà Hiếu đã dành cho cô.


Xuân đã từ bỏ nghề mại dâm từ chối tiếp khách.



Xuân bị khách làng chơi ngược đãi vì trước đây cô là gái mại dâm.


Hiếu giúp Xuân chống lại khách làng chơi khi họ vẫn tưởng Xuân làm nghề cũ.


Và rồi Hiếu đã tìm thấy tình yêu và hạnh phúc làm cha khi có đứa con khỏe mạnh không nhiễm HIV với Xuân.


Hiếu có những phút giây hạnh phúc bên Xuân.

Câu chuyện thứ  ba nói về chàng sinh viên đại học tên Quân có mối quan hệ đồng tính với một người đàn ông đã có gia đình. Khi  phát hiện ra mình bị nhiễm HIV, Quân đã định kết thúc cuộc đời nhưng rồi tình yêu của mẹ và sự đồng cảm của nhiều con người cùng hoàn cảnh đã khiến cậu thay đổi.


Câu chuyện thứ ba là của một cặp đôi đồng tính nam.


Giữa một người đàn ông đã có gia đình nhưng không hạnh phúc với cuộc hôn nhân
không đúng với giới tính thật của chính mình...


...và một anh sinh viên đại học và là niềm hy vọng của bố mẹ già ở quê.


Một câu chuyện nhỏ  trong câu chuyện thứ ba đó là người bạn cùng phòng
với anh sinh viên cùng tìm cảm giác mới lạ với bạn tình đồng giới.

Trong 60 phút, với nội dung xoay quanh bi kịch cuộc đời của ba nhóm nhân vật qua những tình huống thường gặp trong cuộc sống, được dàn dựng xen lẫn yếu tố đối thoại hài hước bằng ngôn ngữ đời thường, vở diễn “Một nhà” đã mang lại tiếng cười sảng khoái và thông điệp đầy tính nhân văn cho người xem.

NSND Anh Tú - đạo diễn vở “Một nhà” cho biết, vở kịch được xem là phần hai của vở diễn có tên là “3 trong 1” mà Nhà hát Kịch Việt Nam đã phối hợp với Chương trình PEPFAR thuộc Phái đoàn Hoa Kỳ tại Việt Nam đã phối hợp thực hiện vào năm 2014 về đề tài HIV/AIDS. Thông qua ba câu chuyện, vở diễn “Một nhà” còn hướng tới việc hỗ trợ điều trị căn bệnh thế kỷ AIDS tại Việt Nam trong thời gian tới. Đó là bên cạnh phương pháp cai nghiện bằng Methadone và điều trị HIV/AIDS bằng thuốc kháng virus ARV, giải pháp tốt nhất đối với những người nhiễm HIV/AIDS là cần phải mua Bảo hiểm y tế để được điều trị liên tục và lâu dài.



Đại sứ Mỹ Ted Osius phát biểu tại đêm diễn của vở kịch “Một nhà”.


Khán giả dành những tràng pháo tay không ngớt cho vở kịch “Một nhà” đầy tính nhân văn của đạo diễn NSND Anh Tú .


Các nghệ sỹ nhận những lẵng hoa chúc mừng của khán giả.

Hướng tới kêu gọi cộng đồng hãy mở rộng tấm lòng bao dung những người bị nhiễm HIV/AIDS cũng như giáo dục giới trẻ Việt Nam hãy tránh xa căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS, vở kịch “Một nhà” còn được công chiếu tại một số trường đại học, nhà hát một số tỉnh như Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng. Đây cũng là hoạt động góp phần vào việc huy động sự quan tâm, tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân trong việc thực hiện “Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030”./.


 

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius cho biết: “Thông qua chương trình PEPFAR, Chính phủ Hoa Kỳ đã đầu tư hơn 70 tỉ đô la để hỗ trợ ứng phó với dịch HIV/AIDS trên toàn cầu, và cũng đóng góp hơn 13 tỉ đô la vào Quỹ Toàn cầu chống AIDS, Lao và Số rét. Tại Việt Nam, tổng đầu tư của PEPFAR tính đến hiện tại là trên 500 triệu đô la. Chúng tôi dự định tiếp tục hợp tác với Việt Nam đến hết năm 2018 và sau đó nữa, nhằm phát triển một chương trình hiệu quả và bền vững. Hướng tới một thế hệ không còn AIDS tại Việt Nam – một đất nước không có ai bị bỏ lại phía sau – là điều có thể làm được, nhưng không hề tự xảy ra hay dễ dàng. Chúng ta cần đoàn kết với vai trò lãnh đạo, cam kết, và đặt trọng tâm vào tác động để biến mục tiêu trên thành hiện thực”.


Bài: Ngân Hà - Ảnh: Trần Thanh Giang



 


Top