Văn hóa

ASEAN, một năm nhìn lại

Cách đây một năm, Cộng đồng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chính thức được hình thành. Đây là một bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển của Hiệp hội. Năm 2016, năm đầu tiên triển khai Tầm nhìn 2025, ASEAN đã bước đầu thu được kết quả khả quan, song vẫn còn nhiều thách thức ở phía trước.
Những kết quả bước đầu

Đánh giá về những kết quả sau một năm hình thành Cộng đồng, Đại sứ-Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN Nguyễn Hoành Năm cho biết công tác triển khai các kế hoạch tổng thể trên 3 trụ cột chính trị-an ninh; kinh tế; văn hóa-xã hội đã đạt những tiến triển tích cực.

140/290 dòng hành động trong Kế hoạch tổng thể về Cộng đồng Chính trị-An ninh (APSC) 2025 đã và đang được đưa vào triển khai. Lĩnh vực kinh tế, văn hóa-xã hội cũng đạt được nhiều kết quả cụ thể.

Đáng chú ý, so với giai đoạn trước, trong một năm qua, công tác triển khai của ASEAN được làm tốt hơn, bài bản hơn, thông qua việc phân công, phân nhiệm cụ thể cùng với việc xác lập hệ thống theo dõi, đánh giá, kiến nghị xử lý khi có vấn đề, đồng thời chú ý không chỉ về số lượng mà còn cả chất lượng, tác động của từng dòng hành động.

Quan hệ đối ngoại của ASEAN trong năm 2016 tiếp tục đạt nhiều kết quả. Với các đối tác đối thoại, ngoài các hội nghị định kỳ, đáng chú ý, năm 2016 ASEAN đã họp Cấp cao đặc biệt với Mỹ, Cấp cao kỷ niệm với Nga và với Trung Quốc, trong đó đã thông qua những tuyên bố, kế hoạch quan trọng, định hướng cho quan hệ hợp tác thời gian tới.

Ngoài ra, ASEAN tiếp tục mở rộng và thiết lập quan hệ hợp tác với những đối tác mới, như cấp quy chế Đối tác đối thoại theo lĩnh vực cho Thụy Sĩ và Đối tác phát triển cho Đức; mở rộng Hiệp ước Hợp tác và Thân thiện (TAC) cho một loạt các nước tham gia như Chile, Ai Cập, Iran, Maroc...

Bên cạnh đó, trong năm 2016, ASEAN đã xây dựng được 2 văn kiện quan trọng, gồm Kế hoạch tổng thể Kết nối ASEAN 2025 (MPAC 2025) và Kế hoạch công tác thực hiện Sáng kiến Liên kết ASEAN giai đoạn III (IAI), được thông qua tại Cấp cao ASEAN 28, qua đó hoàn chỉnh bộ văn kiện để các nước ASEAN bắt tay vào triển khai từ nay đến năm 2025.


Sau một năm hình thành Cộng đồng, công tác triển khai các kế hoạch tổng thể
trên 3 trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội đã đạt những tiến triển tích cực.
Trong ảnh: Trưởng đoàn các nước ASEAN chụp ảnh chung tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 29 (2016) ở Lào.
Ảnh: Thống Nhất/TTXVN 


Trưởng đoàn các nước ASEAN dự Lễ khởi động Chiến dịch “Du lịch ASEAN@50”
nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28-29 (2016) tại Lào. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN


Năm 2016, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc diễn ra tại Lào,
hai bên đã thông qua Tuyên bố chung ASEAN-Trung Quốc về thực hiện đầy đủ và hiệu quả
Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC). Ảnh: THX/TTXVN


Vấn đề hòa bình và ổn định ở Biển Đông luôn được các nước ASEAN quan tâm đặc biệt.
Trong ảnh: Hội thảo "Tìm giải pháp hòa bình cho những tranh chấp ở Biển Đông từ quan điểm ASEAN"
được tổ chức tại Indonesia. Ảnh: Đỗ Quyên/TTXVN


Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 48 (2016) diễn ra tại Lào. Ảnh: THX/TTXVN


Hội nghị Thị trưởng Thủ đô các nước ASEAN lần thứ 4 diễn ra tại Lào
có chủ đề “Cam kết, Trách nhiệm của các Thủ đô ASEAN hướng tới một ASEAN hội nhập”.
Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN


Ban Thư ký ASEAN tổ chức hội thảo cung cấp thông tin giúp các đối tác hiểu rõ hơn về ASEAN.
Ảnh: Đỗ Quyên/TTXVN

Khó khăn và thách thức

Tuy nhiên, trong giai đoạn phát triển mới của ASEAN, có không ít khó khăn và thách thức, cả bên trong lẫn bên ngoài.

Khó khăn nội tại trước hết là cần đảm bảo bộ máy của ASEAN vận hành hiệu quả, đủ năng lực để có thể đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao trong liên kết và hợp tác ASEAN cũng như giữa ASEAN với đối tác, đặc biệt là việc xử lý các thách thức trong tình hình mới hiện nay. Sự phối hợp giữa các cơ quan của các nước trong việc thực hiện các chương trình, kế hoạch xây dựng Cộng đồng cần được đồng bộ, chặt chẽ và thông suốt, nhất là trong những lĩnh vực, nội dung mang tính đa ngành...

Bên cạnh đó, để ASEAN thực sự đi vào cuộc sống và đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, cũng cần tiếp tục thực hiện và triển khai một cách hiệu quả các kế hoạch đã được các nước thống nhất. Ngoài ra, nguồn lực hạn chế trong việc triển các chương trình, dự án hợp tác cũng là một trong những khó khăn nội tại của ASEAN.

Theo Đại sứ Nguyễn Hoành Năm, các vấn đề nêu trên đang được các nước thành viên ASEAN tiếp tục bàn thảo, trao đổi để tìm ra các giải pháp, trong đó có việc cải tiến thể thức và phương thức hoạt động, nâng cao năng lực bộ máy; đồng thời tạo ra một cơ chế liên kết nội khối thông thoáng thông qua các biện pháp thuận lợi hóa thương mại, đầu tư, lao động, giao thông và kết nối, đưa ASEAN vào đời sống xã hội của khu vực…

Với bên ngoài, những diễn biến của tình hình khu vực và quốc tế hiện nay, từ vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống đến xu hướng bảo hộ mậu dịch, những vấn đề nảy sinh giữa các nước lớn, diễn biến phức tạp ở Biển Đông... cũng đang đặt ra cho ASEAN những thách thức mới. Như vậy, hơn bao giờ hết, việc ASEAN tiếp tục duy trì đoàn kết, phát huy vai trò trung tâm, có ý nghĩa hết sức quan trọng để nâng cao vị thế của ASEAN, đồng thời đóng góp cho việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển ở khu vực.

Đóng góp của Việt Nam

Theo Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN, những đóng góp của Việt Nam cho sự phát triển của Hiệp hội trong thời gian qua luôn được các nước thành viên ghi nhận.

Tiếp tục tinh thần “tích cực, chủ động và có trách nhiệm", trong giai đoạn phát triển mới của ASEAN, Việt Nam sẽ không ngừng phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên ASEAN để triển khai các hoạt động ưu tiên trong xây dựng Cộng đồng trên cả 3 trụ cột; triển khai có hiệu quả các sáng kiến về kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển, vừa được lãnh đạo cấp cao ASEAN thông qua tại Vientiane (Lào); đồng thời thực hiện đầy đủ các cam kết của Việt Nam trong xây dựng Cộng đồng.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh ASEAN 2016 tại Hà Nội.
Ảnh: Thống Nhất/TTXVN


Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì Phiên họp lần thứ nhất
Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN


Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam chất lượng cao
đáp ứng nhu cầu xã hội trong thời kỳ hội nhập ASEAN”.  Ảnh: An Hiếu/TTXVN


Gala nghệ thuật “Tuần văn hóa Malaysia, Indonesia và Việt Nam năm 2016”. Ảnh: Thu Hằng/TTXVN


Chung kết cuộc thi tiếng Anh với chủ đề “Công dân trẻ ASEAN – Bạn là ai?” tại Tp. Hồ Chí Minh.
Ảnh: An Hiếu/TTXVN

Ngoài ra, năm 2017 là năm ASEAN kỷ niệm 50 năm thành lập, Việt Nam có kế hoạch phối hợp với các nước, trong đó có Phillippines là nước giữ chức Chủ tịch, tham gia tổ chức các hoạt động kỷ niệm với mục tiêu nâng cao ý thức cộng đồng và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ gắn kết giữa người dân các nước ASEAN.

Đại sứ Nguyễn Hoành Năm khẳng định trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt với các nước thành viên để duy trì đoàn kết, phát huy hơn nữa vai trò trung tâm của ASEAN trong việc xử lý các thách thức ở khu vực, nhằm duy trì hòa bình và an ninh, đồng thời làm sâu sắc hơn nữa quan hệ giữa ASEAN với các đối tác.

Đặc biệt, trong năm 2017, Việt Nam sẽ đảm nhận cùng một lúc 3 vai trò: nước Điều phối quan hệ ASEAN-Ấn Độ, Chủ tịch Nhóm Đặc trách Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI) và nước Điều phối quan hệ ASEAN-Liên minh Thái Bình Dương (PA). Việt Nam quyết tâm tổ chức và đảm nhiệm tốt những vai trò này./.

TTXVN/Báo ảnh Việt Nam

DK1 vững vàng nơi đầu sóng

DK1 vững vàng nơi đầu sóng

Trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, hơn 35 năm qua, Nhà giàn DK1 vẫn luôn đứng đó, sừng sững, hiên ngang như một “pháo đài thép”. Giữa sóng gió trùng khơi, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1 vẫn luôn nắm chắc tay súng, vững chân sóng giữ cho lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam tung bay, khẳng định đanh thép chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Top